Báo chí giữa đại dịch: Bóng tối giúp ngôi sao toả sáng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo chí chính thống đối diện với thách thức mỗi năm, từ việc môi trường hoạt động truyền thống dần chuyển đổi sang không gian công nghệ, cho tới sự lên ngôi của tin tức mạng xã hội. 
Đại dịch Covid-19 từng có thời điểm khiến hàng tỷ người trên thế giới phải chấp nhận cảnh bị cách ly, giãn cách xã hội
Đại dịch Covid-19 từng có thời điểm khiến hàng tỷ người trên thế giới phải chấp nhận cảnh bị cách ly, giãn cách xã hội

Bước sang năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện đặt ra thêm những rào chắn mà nhà báo và các cơ quan truyền thông phải đối mặt. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh này, một lần nữa báo chí chính thống đã trỗi dậy, chứng minh vị thế và sự đáng tin cậy của mình.

Đại dịch tin giả

Một trong những vấn đề nhức nhối của đời sống hiện đại, nơi con người gắn chặt với các mạng xã hội là việc thông tin từ các phương tiện kết nối online được lan truyền với tốc độ chóng mặt, dù đó là những nguồn tin vô căn cứ, không chính xác, bịa đặt…

Thực tế, không phải tới khi đại dịch Covid-19 xuất hiện câu chuyện về tin giả mới trở thành vấn đề nóng. Trước đó, các mạng xã hội khổng lồ như Facebook, Twitter… đều “đau đầu” với các tin tức không chính xác, không có thật được lan truyền rộng rãi.

Tuy nhiên, khi đại dịch xuất hiện và lây nhiễm với quy mô rộng khắp, câu chuyện tin giả mang tới những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều. Cho tới nay, người dân toàn cầu đã bị “đầu độc” bởi hàng loạt câu chuyện thiếu kiểm chứng như virut SARS-CoV-2 do con người tạo nên tại phòng thí nghiệm, sự lây nhiễm diễn ra một phần bởi mạng lưới viễn thông 5G…

Thêm vào đó, trên Amazon, hàng ngàn phương thuốc giả/không liên quan tới Covid-19 được rao bán với mục tiêu lợi dụng sự hoảng loạn của người tiêu dùng. Giá cả một số sản phẩm sát khuẩn, mặt nạ… tăng tới hơn 2.000%, dù nhiều sản phẩm không phù hợp và cần thiết đối với việc phòng/chữa bệnh. Tất cả xuất phát từ những thông tin không xác thực được lan truyền hàng ngày qua mạng xã hội và các kênh truyền thông không chính thống.

Một vấn nạn khác mà tin tức giả tạo nên là định kiến. Vào thời điểm đại dịch Covid-19 mới bùng phát, trước khi căn bệnh được đặt tên chính thức, rất nhiều thông tin thiếu căn cứ đã tự gắn mác “virut Vũ Hán”, hoặc tương tự và lan truyền trên các trang mạng xã hội, thậm chí hashtag này còn trở nên phổ biến trên Twitter. Chính việc này đã tách biệt các cá nhân từ Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc, cũng như châu Á nói chung trên toàn cầu, khiến không ít người do lo sợ mà giấu giếm triệu chứng, không dám tìm tới các cơ sở y tế… Đây là một lực cản không nhỏ đối với nỗ lực kiểm soát và kiềm chế đà lây nhiễm dịch bệnh của chính phủ nhiều quốc gia.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhắc trực diện tới vấn đề này, khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Đây là thời điểm cần tới khoa học, không phải tin đồn. Cần sự đoàn kết, không phải bài xích”.

Theo nghiên cứu mới đây của Pew Research Center, gần 2/3 người Mỹ đã đọc, tiếp cận, được lan truyền các thông tin về đại dịch mang tính bịa đặt, không chính xác, và câu chuyện này không chỉ xảy ra tại nước Mỹ. Tình hình trầm trọng tới mức Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, đang xảy ra một đại dịch tin giả, với mức độ nghiêm trọng và hậu quả nặng nề chẳng kém bệnh tật.

“Con người đói khát thông tin, cạn kiệt niềm tin. Và khi thiếu đi những tin tức chính xác, mọi thứ trở nên hỗn độn”, Kasisomayajula Viswanath, giáo sư tại Harvard T.H. Chan School of Public Health nhận định. 

Báo chí chính thống trỗi dậy

Nếu như những tin tức giả mạo, bịa đặt, vô căn cứ trong thời buổi đại dịch hoành hành tạo nên mối đe dọa thực sự với tính mạng con người, thì nguồn tin xác thực từ báo chí chính thống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát Covid-19, thậm chí có thể cứu nhiều sinh mạng.

Sự hỗn độn của môi trường thông tin thời đại dịch thúc đẩy nhiều người tìm tới các nền tảng truyền thông chính thống. The New York Times và The Washington Post chứng kiến lượt truy cập vào trang web chính thức của mình tăng 50% trong những tháng vừa qua.

Tương tự, lượt truy cập vào website của Financial Times tăng 250% so với năm trước đó. Trang chủ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh của Financial Times, với biểu đồ theo dõi lượng người mắc bệnh, số người chết vì Covid-19 trở thành một trong những trang báo được xem nhiều nhất trong lịch sử. Hay số lượng người xem The Guardian tăng gần gấp đôi từ mức kỷ lục 191 triệu người vào tháng 2/2020 lên 366 triệu người trong tháng 3.

Một khảo sát gần đây do Reuters thực hiện với người dân tại Argentina, Đức, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ cho thấy, người dân đặt niềm tin vào báo chí chính thống, với mức độ lớn hơn hẳn so với thông tin mạng xã hội. Bên cạnh đó, niềm tin đối với các chuyên gia, đại diện các tổ chức y tế có tên tuổi sẽ cao hơn, nhất là khi thông tin được truyền tải bởi các tờ báo truyền thống.

Để truyền tải liên tục, cập nhật các thông tin tới cộng đồng trong thời điểm nhiều bất ổn như hiện nay, các toà soạn, cơ quan truyền thông trên toàn cầu luôn coi thông tin về đại dịch là ưu tiên hàng đầu.

Đại dịch Covid-19 từng có thời điểm khiến hàng tỷ người trên thế giới phải chấp nhận cảnh bị cách ly, giãn cách xã hội. Trong thời gian này, người dân dựa vào báo chí để biết cuộc sống đang thay đổi ra sao: hàng triệu người mất việc, hàng triệu việc làm biến mất, hàng trăm nghìn người tự cô lập tại nhà… Đây là tình huống chưa từng xảy ra và báo chí chính thống đóng vai trò truyền tải bức tranh cuộc sống chân thật nhất, với tính chính xác cao và đưa tin có trách nhiệm.

Các nhà báo không chỉ giúp người đọc theo dõi diễn biến mới về dịch bệnh, cách thức phòng ngừa, chữa trị mà còn đóng vai trò là “người kiểm chứng”, để xác thực những điều đã biết liệu có chính xác. Có thể nói, báo chí chính thống bám sát mọi diễn biến của đại dịch, cập nhật tình hình một cách nhanh chóng, đồng thời đóng vai trò là cầu nối an toàn giữa cư dân toàn cầu với nhà chức trách, với cuộc sống bên ngoài.

Nhiều tờ báo uy tín đã thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua cung cấp nội dung thông tin đại dịch tới cộng đồng miễn phí, phục vụ lợi ích chung.

Đây là lý do tại nhiều quốc gia trên toàn cầu, báo chí chính thống được xem như lĩnh vực dịch vụ thiết yếu và nhà báo là người làm công việc thiết yếu, được phép duy trì hoạt động sản xuất tin tức, được loại trừ khỏi các quy định phòng bệnh ngặt nghèo. Thậm chí, tại một số khu vực, báo chí được xem là “dịch vụ khẩn cấp”.

Trước những đóng góp của báo chí chính thống, UNESCO đã truyền tải thông điệp: “Thông tin chính là bầu không khí. Những tin giả là virus, còn báo chí chính thống là chiếc mặt nạ cần thiết”. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vào ngày 14/4/2020 cũng chia sẻ: “Tôi “cúi đầu” trước các nhà báo, bởi đây là một trong những lực lượng xác thực thông tin giữa hằng hà sa số câu chuyện giả tạo, bịa đặt”.

Đáng chú ý, các nhà báo, cơ quan truyền thông không ngừng đóng góp cho lợi ích chung của cộng đồng ngay cả khi bản thân đang ở trong tình cảnh ngặt nghèo. Với các nhà báo, họ là người ở tuyến đầu chống dịch, chiến đấu với tin giả, truyền tải thông tin cập nhật, xây dựng niềm tin… mà cái giá phải trả đôi khi là chính sự an toàn của bản thân.

Theo báo cáo của Poynter Institute do UNESCO trích dẫn, có ít nhất 16 nhà báo đã thiệt mạng vì Covid-19. Đó là chưa kể việc bị tấn công thể chất, chịu cảnh kỳ thị từ chính lực lượng hành pháp, cũng như cộng đồng cư dân lân cận.

Đối với các cơ quan báo chí, đại dịch khiến môi trường hoạt động trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Khủng hoảng kinh tế khiến chi phí dành cho hoạt động quảng cáo bị cắt bỏ, nhiều hãng tin tức đối diện thử thách “sinh tồn” bởi thiếu nguồn thu, trong khi vẫn cật lực hỗ trợ đội ngũ sản xuất thông tin trong bối cảnh giãn cách, thậm chí cung cấp thông tin miễn phí thay vì thu phí như thường lệ.

Có thể nói, báo chí chính thống đang sống trong nghịch cảnh, khi mà niềm tin xã hội, sự chú ý gia tăng, vai trò đối với cộng đồng được nâng cao, nhưng lại phải chiến đấu đơn độc vì “sự sống còn” của chính mình trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Diễn đàn toàn cầu về phát triển truyền thông (Global Forum on Media Development) công bố báo cáo cho thấy, một số thành viên đang chứng kiến 70% doanh thu quảng cáo “bốc hơi”. Đây là xu hướng trên toàn cầu, diễn ra với mức độ mạnh nhất tại một số khu vực, trong đó có các thị trường mới nổi. Tình hình hiện tại được mô tả là “sự kiện tuyệt chủng đối với truyền thông”.

Dù vậy, báo chí chính thống đã không ít lần chịu thử thách và trong bối cảnh hiện tại, chính bóng tối từ đại dịch đã khiến ánh sáng từ những ngọn hải đăng - các cơ quan truyền thông trở nên rạng rỡ. Đại dịch Covid-19 thức tỉnh cộng đồng về vai trò của báo chí chính thống với cộng đồng và từ đó khiến sợi dây gắn kết thêm bền chặt. Đại dịch mang tới những khó khăn, nhưng cũng tạo nên cơ hội đối với các cơ quan truyền thông biết cách thích nghi với tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục