Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Chương trình dự kiến hỗ trợ mua, tặng thẻ BHYT cho khoảng 2.400 đối tượng khó khăn từ nguồn kinh phí đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống BHXH Việt Nam, và sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Riêng trong hệ thống BHXH, BHXH Việt Nam đã vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đóng góp mỗi người 1 ngày lương để gây quỹ hỗ trợ, tặng thẻ BHYT.
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, tỷ lệ chi trả chi phí y tế từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ đã giảm từ 49% năm 2012 xuống còn khoảng 40% và đang phấn đấu đạt dưới 30% vào năm 2025. Đây là kết quả từ chính sách BHYT và là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT được tổ chức ngày 18/6/2019, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11% dân số, tương đương với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Mặc dù nhận thức của đa số nhân dân về chính sách BHYT ngày càng được nâng lên, nhưng nhiều người vẫn chưa tham gia BHYT do nhiều nguyên nhân, trong đó có khó khăn về kinh tế. Điều này đang tạo ra “lỗ hổng” trong hệ thống an sinh xã hội ở nước ta, khiến nhiều người có nguy cơ rơi vào nghèo đói nếu chẳng may ốm đau, tai nạn.
Trên thực tế, nguy cơ bệnh tật đang có chiều hướng gia tăng, trong khi giá các dịch vụ y tế cũng được điều chỉnh tăng dần theo mức tính đủ các yếu tố (gồm cả lương của cán bộ y tế). Việc tham gia BHYT là một lựa chọn sáng suốt, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe mà còn chia sẻ gánh nặng tài chính, chi phí khám chữa bệnh với người dân. “Vì vậy, việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chưa tham gia BHYT là việc làm cần thiết, sẽ mang lại những tác động xã hội sâu sắc”, ông Đào Việt Anh - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh.