Bát nháo tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Tư pháp, thời gian qua còn tình trạng người có tài sản (NCTS) khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS) đã đưa ra các tiêu chí “chủ quan”, thiếu minh bạch, chủ yếu nhắm tới tổ chức đã lựa chọn từ trước, tiềm ẩn nguy cơ nảy sinh tiêu cực, thông đồng giữa NCTS với TCĐGTS. Để khắc phục tồn tại nêu trên, Bộ Tư pháp được giao xây dựng Thông tư quy định tiêu chí lựa chọn TCĐGTS.
Việc xây dựng tiêu chí cụ thể và bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng giúp lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản thực sự có năng lực. Ảnh: NC st
Việc xây dựng tiêu chí cụ thể và bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng giúp lựa chọn được tổ chức đấu giá tài sản thực sự có năng lực. Ảnh: NC st

Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp cho biết, theo quy định, việc lựa chọn TCĐGTS căn cứ vào các tiêu chí đưa ra tại Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS gồm: tiêu chí về phương án đấu giá; năng lực, kinh nghiệm, uy tín của TCĐGTS; cơ sở vật chất, thù lao dịch vụ đấu giá… và các tiêu chí cụ thể khác phù hợp với tài sản do NCTS quyết định.

Thực tiễn lựa chọn TCĐGTS nảy sinh tình trạng, NCTS đưa ra các tiêu chí mang tính chủ quan, thiếu minh bạch, không liên quan đến việc tổ chức đấu giá mà chủ yếu hướng đến TCĐGTS đã được lựa chọn trước, “sân sau”.

Ví dụ như tiêu chí đấu giá viên (ĐGV) đồng thời là luật sư có kinh nghiệm 10 năm hành nghề luật sư; ĐGV phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành hàng hải, điện lực hay Đại học Luật Hà Nội hoặc TP.HCM hệ chính quy; ĐGV phải có học vị thạc sĩ, tiến sĩ; TCĐGTS được lựa chọn phải có ít nhất 5 chi nhánh trong cả nước… Thậm chí, có TCĐGTS chào với tiêu chí thù lao dưới khung quy định (0 đồng), đây là mức thù lao “bất thường” nhưng vẫn được NCTS lựa chọn.

Theo đánh giá của Cục Bổ trợ tư pháp, những tiêu chí này mang tính chủ quan, không lựa chọn được TCĐGTS thực sự có năng lực, có thể làm nảy sinh nhiều tiêu cực, dẫn tới tình trạng thông đồng giữa NCTS và TCĐGTS, tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản bán đấu giá.

Để khắc phục những tồn tại, bất cập này, Bộ Tư pháp được giao nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn TCĐGTS theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản.

Theo Dự thảo Thông tư cập nhật vào đầu tháng 3/2021, có 5 nhóm tiêu chí lựa chọn TCĐGTS và cách thức đánh giá các tiêu chí đó theo thang điểm 100. Đó là, nhóm tiêu chí cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá; nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của TCĐGTS; nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp; nhóm tiêu chí khác theo tính chất của tài sản đấu giá, tình hình thực tiễn tổ chức việc đấu giá.

Dự thảo Thông tư cũng quy định, tổ chức ĐGTS có ĐGV đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm quy định về hoạt động ĐGTS sẽ bị trừ điểm trong tổng số điểm mà TCĐGTS đạt được vì đây là vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch của việc lựa chọn TCĐGTS, Dự thảo Thông tư quy định trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả chấm điểm, NCTS phải thông báo công khai kết quả lựa chọn TCĐGTS trên Cổng thông tin điện tử của NCTS (nếu có) và Cổng thông tin quốc gia về ĐGTS. Thời gian thông báo công khai ít nhất 5 ngày làm việc.

Theo ông Trần Mai Long, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS TP. Hà Nội, việc xây dựng tiêu chí lựa chọn TCĐGTS phải bảo đảm được sự công khai, minh bạch, công bằng, khách quan và hài hòa giữa những tổ chức mới được thành lập và những tổ chức đã hoạt động lâu năm, có nhiều kinh nghiệm. Trong 5 nhóm tiêu chí nêu trên, ông Long cho rằng, nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của TCĐGTS là quan trọng nhất và có thể định lượng rõ ràng nhất để chấm điểm. Các TCĐGTS có thể có các tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm của mình.

Đồng thuận với quan điểm này, bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty CP Bán đấu giá Lạc Việt nhấn mạnh, đây là tiêu chí quan trọng nhất cho việc lựa chọn TCĐGTS và nên xây dựng thang điểm cho tiêu chí này cao hơn so với các tiêu chí khác. Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS được Chính phủ ban hành ngày 4/3/2010 đã chính thức chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa hoạt động bán ĐGTS. Do đó, trừ các trung tâm dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp, thì các doanh nghiệp ĐGTS được thành lập sớm nhất cũng chỉ có 10 năm hành nghề. Việc xây dựng thang điểm cho tiêu chí “thời gian hoạt động trong lĩnh vực ĐGTS” cần phù hợp với thực tiễn, bảo đảm hài hòa, tạo điều kiện cho các TCĐGTS mới có thể tham gia, cạnh tranh bình đẳng.

Tin cùng chuyên mục