Theo đó, các lĩnh vực ưu tiên áp dụng đầu tư theo hình thức PPP là xây dựng cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công. Cụ thể là các công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan; hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư…
Văn bản của UBND tỉnh Bình Dương cũng hướng dẫn trình tự thực hiện dự án PPP như lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án PPP; lập đề xuất dự án; thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án; công bố dự án; lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương là đầu mối quản lý hoạt động PPP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đặc biệt, để hỗ trợ triển khai các dự án PPP, Ban Chỉ đạo PPP trực thuộc UBND Tỉnh đã được thành lập.