Bộ trưởng GD-ĐT kỷ luật lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn ký quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên NXB Giáo dục Việt Nam.

Ông Thái được xác định có khuyết điểm trong chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, biên soạn, phát hành sách giáo khoa.

Đồng thời, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết...

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái bằng hình thức cảnh cáo.

Theo "Báo cáo đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2021" của NXB Giáo dục Việt Nam, nhà xuất bản này đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa, vượt 40% so với kế hoạch đề ra.

Kết quả, lãi sau thuế của Nhà xuất bản Giáo dục là 287 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và vượt 150% kế hoạch được giao. Theo tính toán, cứ phát hành một quyển sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục thu về hơn 11.100 đồng và lãi gần 1.750 đồng. Mặc dù lãi cao kỷ lục nhưng đơn vị này lại kêu khó trăm bề.

Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa

Năm 2021, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hành 164,6 triệu quyển sách giáo khoa

Những năm trước, doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục chủ yếu dao động trong khoảng 1.200-1.400 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân khoảng 120-150 tỷ đồng/năm.

Tính bình quân, cứ mỗi đầu sách giáo khoa phát hành Nhà xuất bản Giáo dục lại thu về hơn 11.100 đồng doanh thu và gần 1.750 đồng lợi nhuận.

Về khả năng sinh lời, nhà xuất bản có tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) 39,9% và tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản (ROA) 17,9%. Lãnh đạo nhà xuất bản đánh giá "hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 hiệu quả".

Ngoài ra, 7 công ty con hoạt động trong lĩnh vực tương tự do Nhà xuất bản Giáo dục nắm quyền chi phối cũng đều báo lãi, tổng cộng đạt 46 tỷ đồng.

Dẫu vậy, Nhà xuất bản Giáo dục vẫn "kêu" khó khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác giới thiệu sách, tập huấn giáo viên theo đúng kế hoạch, tiến độ của Bộ Giáo dục và Đào tạo; việc in sách giáo khoa mới lớp 2 và lớp 6 bị động do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt mẫu chậm so với kế hoạch nên phải vất vả in gấp; tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng gia tăng, những thông tin báo chí, dư luận xã hội bất lợi về bản quyền sách giáo khoa…

Năm học 2020-2021, nhiều đầu sách giáo khoa tiểu học có giá cao gấp 3-4 lần. Đến năm học 2022-2023, giá sách giáo khoa các lớp 3, 7 và 10 tiếp tục cao hơn 2-3 lần so với bộ sách cũ.

Sách giáo khoa thay đổi liên tục theo năm, nhiều đầu sách, chất lượng chưa hoàn thiện và giá thành tăng gấp 2-3 lần so với trước đây

Sách giáo khoa thay đổi liên tục theo năm, nhiều đầu sách, chất lượng chưa hoàn thiện và giá thành tăng gấp 2-3 lần so với trước đây

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, sở dĩ bộ sách giáo khoa mới đắt gấp 2-3 lần sách cũ là do sách mới có khổ lớn hơn, giấy tốt hơn sách cũ.

"Các loại sách này biên soạn với khổ lớn hơn, giấy tốt hơn. Còn các quy trình từ biên soạn cho đến giới thiệu, thử nghiệm, phát hành sách là các doanh nghiệp hoàn toàn tự đảm nhiệm và kê khai giá với Bộ Tài chính", ông Sơn nói và cho biết năm nay, Bộ chỉ đạo rất "ráo riết" để sách giáo khoa giảm từ 10-15% so với năm ngoái, trong khi giá vật liệu, nhiên liệu tăng.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính ngày 8/6, nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề định giá sách giáo khoa, kiến nghị đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá.

Tại cuộc họp về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có biện pháp tăng cường tuyên truyền, tham khảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân vì sách giáo khoa là vấn đề liên quan trực tiếp đến đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Tin cùng chuyên mục