Ảnh Internet |
Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ định kỳ tháng 2 năm 2018.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ từ 17/1 về phương án giải quyết vấn đề của trạm BOT Cai Lậy. "Bộ GTVT đưa ra 4 phương án khác nhau, các phương án này đều có ưu điểm và hạn chế riêng, đều liên quan đến yếu tố ban đầu về hợp đồng có điều chỉnh và thời gian thu phí cũng khác nhau", Thứ trưởng Đông cho biết.
Ông Đông ví dụ có phương án Bộ đề nghị dừng thu phí thì cần xem có nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian, phải đàm phán với nhà đầu tư. Nếu chỉ thu phí trên tuyến tránh thì phải theo dõi lượng xe để tính toán lại thời gian. Nếu thu cả 2 trạm trên quốc lộ 1 và tuyến tránh thì cũng phải tính khác…
"Tất cả đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo về những phương án tiếp theo, trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30% đến 100% cho một số xã lân cận, chúng tôi sẽ tính toán con số cụ thể để báo cáo Chính phủ trong vài ngày tới", Thứ trưởng Đông thông tin.
Trước đó ngày 4/12/2017, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) từ 1-2 tháng để tiếp tục làm rõ mọi vấn đề và giao Bộ GTVT đề xuất phương án. Ngày 30/1/2018, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Thủ tướng các phương án giải quyết.
Trước đó, ngay sau khi Thủ tướng dừng trạm thu phí, Bộ GTVT từng đưa ra 3 kịch bản để giải quyết vấn đề dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và bảo trì, tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 (gọi tắt là Dự án BOT Cai Lậy). Kịch bản thứ nhất là vẫn giữ nguyên trạm thu phí ở vị trí hiện tại, nhưng tăng cường vận động, cải thiện việc thu phí và phục vụ các nhu cầu của người tham gia giao thông.
Kịch bản thứ hai là di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính cũ và tính toán lại. Khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, kịch bản này phải thương thảo với nhà đầu tư vì liên quan đến thời gian thu phí. Đồng thời, theo tính toán thì phương án này không khả thi vì thời gian hoàn vốn không đúng như cam kết của hiệp định vay vốn, ảnh hưởng đến nợ xấu của ngân hàng.
Kịch bản thứ ba là đặt hai trạm thu phí, một trạm đặt trên Quốc lộ cũ để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên Quốc lộ; một trạm được đặt trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến đường này.
Nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội vận tải ô tô thiên về kịch bản 2 và nhận định rằng đây là phương án vừa giải quyết được vấn đề của BOT Cai Lậy, vừa dần đưa dự án BOT về đúng nguyên tắc, tạo tiền lệ tốt cho thực hiện dự án BOT về sau, đồng thời chứng minh được tinh thần kiến tạo, hành động, phục vụ của Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, kịch bản 2 sẽ triển khai theo hướng dời trạm thu phí BOT Cai Lậy vào đường tránh, Nhà nước trả phần kinh phí nhà đầu tư đã sửa chữa, nâng cấp Quốc lộ 1, trước đó cần có kiểm toán đầy đủ. Đồng thời, tổ chức phân luồng giao thông, hạn chế bớt xe tải trọng lớn đi vào Quốc lộ 1. Với phương án này, Nhà nước không phải mua cả dự án hơn 1.300 tỷ đồng, mà chỉ mua lại phần cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 khoảng 300 tỷ đồng. Nhà nước cũng không cần lo trả ngay cả 300 tỷ đồng này, bởi vì nhà đầu tư vay ngân hàng và trả dần, Nhà nước cũng có thể trả dần cho ngân hàng cho vay. Đồng thời, việc phân luồng có thể tác động đến một số đối tượng, sẽ phải tuyên truyền để tạo đồng thuận, trên tinh thần tất cả các bên cùng phải chia sẻ giải quyết vấn đề, cả nhà đầu tư - người dân và ngân hàng cho vay.