Dự báo nhu cầu thép trong nước có thể tiếp tục suy yếu. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều khoản lỗ lớn
Doanh nghiệp có thị phần lớn nhất cả nước là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 26.000 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ ròng 2.000 tỷ đồng. Cùng với khoản lỗ hơn 1.700 tỷ đồng quý trước đó, Hòa Phát đã trải qua 2 quý lỗ liên tiếp. Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát ghi nhận 142.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 5% so với năm ngoái và 8.444 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 24% con số năm ngoái.
Dù chịu lỗ lớn 2 quý vừa qua, nhưng Hòa Phát lạc quan cho rằng, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Tập đoàn đã và đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Một “ông lớn” khác là Tổng công ty Thép Việt Nam cũng ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục 410,4 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022. Cả năm 2022, Tổng công ty Thép lỗ ròng gần 822,4 tỷ đồng. Tương tự, Công ty CP Thép Nam Kim báo lỗ ròng 356,3 tỷ đồng trong quý IV/2022, cả năm 2022 thua lỗ 67 tỷ đồng.
Cũng đánh dấu quý thứ hai lỗ lớn, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen công bố khoản lỗ 680 tỷ đồng quý IV/2022, trong khi quý trước đó lỗ 887 tỷ đồng. Tính chung năm 2022, Hoa Sen lỗ 1.068 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm năm 2022 giảm 7,2% so với năm 2021, đạt 27,3 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt 6,28 triệu tấn, giảm 19,1%. Hiệp hội cho biết, 2022 là một năm đầy thách thức với ngành thép trong nước khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ.
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp thép |
Chưa thể phục hồi trong năm 2023
Nói về triển vọng ngành thép trong năm 2023, báo cáo của Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Công ty này dẫn số liệu từ Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. Về thị trường nước ngoài, SSI dự báo, xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% do suy thoái, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm.
Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng có góc nhìn kém lạc quan về ngành thép trong năm 2023 khi cho rằng, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và tôn mạ sẽ cùng giảm 3% so với năm trước dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới. Doanh nghiệp thép thời gian qua đã trải qua khó khăn do thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam hạ nhiệt kể từ quý II/2022 sau sự kiện bắt giữ một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn (vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp), lãi suất mua nhà tăng và room tín dụng hạn chế, giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm.
Bên cạnh khó khăn của ngành thép, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản công bố kết quả kinh doanh suy thoái năm 2022. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của Nhà Từ Liêm giảm 55%, LDG giảm 97%, Phát Đạt giảm 36%, Nam Long giảm 36%... so với năm 2021.