Lãng phí trong khâu bố trí vốn, thực hiện dự án là một trong ba lãng phí lớn của đầu tư công hiện nay. Ảnh: Tường Lâm |
Bộ KH&ĐT không phân bổ chi tiết
Làm rõ hơn về quy trình phân bổ vốn chi tiết cho từng dự án, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, sau khi được Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư phát triển, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT thông báo dự kiến tổng số vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực, chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương; tổng số vốn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương theo từng chương trình cho các địa phương; hướng dẫn các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cả ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai phân bổ chi tiết cho từng dự án.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, việc lựa chọn danh mục dự án và dự kiến mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền quyết định của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Sau khi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi phương án phân bổ chi tiết vốn đầu tư công (bao gồm danh mục dự án được lựa chọn và mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án) cho Bộ KH&ĐT, Bộ triển khai tổng hợp và rà soát về tính phù hợp của phương án phân bổ, bao gồm cả việc bố trí vốn cho từng dự án, có đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra hay không. Trong trường hợp chưa đúng, Bộ KH&ĐT đề nghị bộ, cơ quan, địa phương hoàn chỉnh lại phương án cũng như bố trí vốn cho từng dự án theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí. Trong trường hợp đã đề nghị, nhưng phương án hoặc bố trí vốn cho các dự án vẫn chưa đúng, Bộ KH&ĐT triển khai tổng hợp riêng phần chưa đúng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý. Bộ không có thẩm quyền tự ý thay đổi phương án và bố trí vốn của bộ, cơ quan, địa phương.
Cần kiên quyết bố trí vốn theo đúng tiêu chí
Bộ KH&ĐT cho rằng, lãng phí trong khâu bố trí vốn, thực hiện dự án là một trong ba lãng phí lớn của đầu tư công hiện nay. Việc bố trí vốn dài trải do nguồn vốn có thể cân đối được là hạn chế trong khi nhu cầu là rất lớn, kết hợp với sự không kiên quyết của nhiều bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên dẫn tới tình trạng dàn trải (số lượng dự án có nhiều, tỷ lệ bố trí bình quân trên 1 dự án thấp), kéo dài thời gian thực hiện dự án, hoặc dự án bị bỏ dở, lãng phí cơ hội sớm hoàn thành dự án để phục vụ phát triển, lãng phí thời gian, lãng phí năng lực thi công của các nhà thầu... Bộ KH&ĐT nhận định, nếu tiếp tục dàn trải ở khâu bố trí vốn chi tiết cho từng dự án thì sự dàn trải và lãng phí trong đầu tư công sẽ tăng theo cấp số nhân.
“Trong một số trường hợp, bộ, cơ quan, địa phương cho rằng đây là trách nhiệm của Bộ KH&ĐT bố trí vốn thiếu, nhưng theo quy định, việc lựa chọn danh mục dự án và bố trí cụ thể cho từng dự án thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Thực tế, trong năm 2016, nhiều địa phương khởi công mới rất nhiều dự án, dù bố trí vốn cho dự án khởi công mới thuộc thứ tự ưu tiên cuối cùng. Khởi công mới nhiều dẫn đến nguồn vốn bố trí cho các dự án thực hiện trong kỳ và các năm tới sẽ bị co kéo, dàn trải vì nguồn lực có hạn.
Theo Bộ KH&ĐT, để chặn lãng phí từ khâu bố trí vốn, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của các bộ, cơ quan, địa phương trong việc bố trí vốn cho từng dự án cụ thể, trong đó kiên quyết thực hiện theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên đã đề ra, bố trí đủ vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án... Bộ đề nghị phải làm rõ trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư công, gây lãng phí, thất thoát trong đầu tư công.