Ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) |
Tổng mức đầu tư của mỗi dự án PPP thường rất lớn, nên nếu không có phương án tài chính hợp lý, khả thi, thiếu cơ chế hỗ trợ linh hoạt từ phía ngân hàng thì nhà đầu tư sẽ bị “tắc” trong việc huy động nguồn lực tham gia vào dự án. Thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2023/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước có sự linh hoạt hơn về lãi suất huy động, thời gian trả nợ cũng dài hơn, nhằm giảm bớt được gánh nặng tài chính cho nhà đầu tư và nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên, việc cấp vốn tín dụng của VDB cho các dự án nói chung và dự án hạ tầng giao thông nói riêng vẫn là cơ chế vay - mượn, nên vẫn phải bảo đảm các điều kiện cho vay, phương án hoàn vốn khả thi và hiệu quả của dòng tiền. Phía VDB sẽ chủ động và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để “khơi thông” nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định mới của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư dự án cho doanh nghiệp, đưa nguồn lực tài chính tối đa cho phép (70% tổng mức đầu tư) vào các dự án giao thông lớn.
Phía Ngân hàng sẽ rà soát các đối tượng, dự án có nhu cầu vay vốn, với các dự án khả thi, bảo đảm được các điều kiện vay vốn. VDB sẽ tạo điều kiện tối đa và phối hợp chặt chẽ, giải ngân vốn nhanh, gọn nhất có thể, đáp ứng được nhu cầu dòng vốn đầu tư kịp thời cho dự án.