Các tỉnh phía Nam gồng mình giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ còn 1,5 tháng nữa là kết thúc năm 2021 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam hiện rất thấp do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tăng tỷ lệ giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ cấp bách đối với người đứng đầu nhiều địa phương.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam hiện rất thấp. Ảnh: Song Lê
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam hiện rất thấp. Ảnh: Song Lê

Nhiều địa phương “hụt hơi”

Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, hiện trên địa bàn có 42 dự án, công trình trọng điểm cần tập trung thực hiện. Trong đó có 19 dự án đầu tư công như: cầu Phước An; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ; Đường 991B… Tuy nhiên, tính đến đầu tháng 11/2021, nhiều dự án chậm tiến độ, điển hình là Dự án Cầu Phước An, dù dự án này đã được bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương hơn 2.400 tỷ đồng (khoảng 50% tổng mức đầu tư Dự án) trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tại Long An, Giám đốc Sở KH&ĐT Huỳnh Văn Sơn cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2021 của Tỉnh đã phân bổ cho các dự án hơn 5.554 tỷ đồng. Đến nay, giá trị khối lượng thực hiện hơn 2.629 tỷ đồng, đạt 47,3% kế hoạch, giá trị giải ngân đạt hơn 2.572 tỷ đồng, bằng 46,3% kế hoạch. Thống kê cho thấy có 15 chủ đầu tư giải ngân trên 60% kế hoạch, 4 chủ đầu tư giải ngân từ 50% - 60% kế hoạch, 2 chủ đầu tư giải ngân từ 30% - 50% kế hoạch, 6 chủ đầu tư giải ngân dưới 30% kế hoạch và 5 chủ đầu tư chưa giải ngân.

Riêng Đồng Nai - một trong những tâm dịch nặng nề nhất khu vực phía Nam, tỷ lệ giải ngân rất thấp, chỉ đạt 43% kế hoạch năm. Cụ thể, tổng nguồn vốn ngân sách phân bổ cho các dự án xấp xỉ 9.100 tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được gần 4.000 tỷ đồng.

Tại Bến Tre, hàng loạt dự án trọng điểm như cống ngăn mặn cầu Lộ Cơ Khí và cửa cống qua đường ĐX01; Dự án Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Bến Tre… đều vướng mắc nhiều, tiến độ triển khai chậm trễ.

Với tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 30/9, kết quả giải ngân vốn đầu tư công là 1.580 tỷ đồng, đạt 37% kế hoạch năm.

Các địa phương khác như TP.HCM, Bạc Liêu, Bình Dương… đều có tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt thấp.

Giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhất

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Bến Tre, khó khăn lớn nhất mà các chủ đầu tư chia sẻ là nhiều đơn vị thi công không thể vận chuyển vật liệu về kịp tiến độ, việc điều động nhân công cũng gặp khó khăn... do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình, dự án.

Đây cũng là khó khăn chung đối với các tỉnh thành phía Nam khiến áp lực giải ngân đầu tư công cuối năm rất lớn. Để đẩy nhanh tiến độ, các địa phương liên tục có chỉ đạo, ban hành giải pháp cụ thể.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho biết, sẵn sàng hỗ trợ, đón người lao động trở lại Thành phố để bổ sung kịp thời lực lượng lao động thiếu hụt tại các công trình trọng điểm.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản khẩn yêu cầu các cấp, ngành, chủ đầu tư phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất trong những tháng cuối năm 2021. Tỉnh Đồng Tháp lưu ý, người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Tỉnh về kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng bị ách tắc là nguyên nhân lớn cản trở tiến độ thi công. Do đó, địa phương nào có dự án trọng điểm liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, cấp ủy nơi đó cần phải vào cuộc một cách quyết liệt. “Để giải quyết căn cơ, cần cả hệ thống chính trị đồng thuận gỡ khó cho các dự án thi công nhanh. Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng rất dai dẳng, kéo dài do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân. Do đó, chính quyền địa phương phải tăng cường hơn công tác vận động, tuyên truyền để sớm có mặt bằng thi công”, ông Thọ đề nghị.

Để gỡ khó cho công tác giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định nhằm kịp thời giải ngân hết số vốn đã được phê duyệt. Những tập thể, cá nhân có trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý. UBND tỉnh Tiền Giang sẽ không xét thi đua - khen thưởng hoặc không công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ đối với người đứng đầu, chủ đầu tư, các tập thể và cá nhân có liên quan.

Tin cùng chuyên mục