Cải cách môi trường kinh doanh đang chững lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP (NQ02) trong nửa đầu năm 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, các giải pháp về cải cách quy định, đơn giản hóa quy trình, thủ tục có xu hướng chậm lại và ít được quan tâm.
Rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay từ các gói hỗ
trợ. Ảnh: Lê Tiên
Rất ít doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay từ các gói hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên

Nếu tốc độ cải cách này không có sự chuyển biến trong thời gian tới thì sẽ là rào cản lớn để đón “đại bàng” hay hiện thực hóa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tích cực tìm kiếm các giải pháp

Theo Bộ KH&ĐT, cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới là nội dung được các bộ đặc biệt quan tâm, chú trọng nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã tích cực tìm kiếm những giải pháp nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí cho DN - đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Về khởi sự kinh doanh, tháng 2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 quy định về lệ phí môn bài. “Theo quy định tại Nghị định này, thủ tục khai, nộp lệ phí môn bài không còn thuộc một trong tám thủ tục của Quy trình khởi sự kinh doanh tại Việt Nam và chi phí giảm 2 triệu đồng”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị bảo hiểm xã hội, sử dụng hóa đơn đặt in, tự in. Nếu Nghị định này được ban hành sẽ giảm thêm 2 bước thủ tục và giảm thời gian trong thực hiện khởi sự kinh doanh.

Liên quan đến bảo vệ cổ đông nhỏ, tại Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, trong đó, khung khổ pháp lý về quản trị DN đã tiếp cận theo chuẩn mực quản trị quốc tế. Luật mở rộng mức độ, phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình...

Để cải thiện chỉ số Giải quyết tranh chấp hợp đồng và Giải quyết phá sản DN, hiện Bộ Tư pháp đã triển khai một số giải pháp như: công khai thủ tục hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự; triển khai thống nhất cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự; đề xuất xây dựng phần mềm đấu giá trực tuyến tài sản trong thi hành án dân sự…

Liên quan đến cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, tại Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được thông qua đã bãi bỏ 21 ngành, nghề; sửa đổi 24 ngành, nghề và bổ sung 7 ngành, nghề.

Còn nhiều việc phải làm

Tuy vậy, trong Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 25/6/2020, Bộ nhận được báo cáo về kết quả thực hiện NQ02 của 18 bộ, ngành và 41/63 tỉnh, thành phố. Đa số báo cáo tương đối bám sát nội dung theo yêu cầu của Nghị quyết. Tuy nhiên, một số báo cáo có hàm lượng thông tin ít thay đổi, có sự giống nhau về nội dung và ít khác biệt qua các quý, các năm.

Hơn nữa, 6 tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên việc triển khai thực hiện NQ02 có phần chững lại. Đến nay, các giải pháp hỗ trợ nhìn chung chưa thực sự đáp ứng được sự mong đợi của DN và cũng rất ít DN tiếp cận được các gói hỗ trợ do nhiều yêu cầu không khả thi.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu ngày 1/7, ông Lê Thành Thực, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Hội DN trẻ tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các DN, nhất là DN nhỏ vẫn chưa cảm nhận được sự thông thoáng trong môi trường kinh doanh, thậm chí họ đang “ngao ngán” về các quy định”. Theo ông Thực, đến thời điểm này hầu như các DN nhỏ và vừa tại Thái Nguyên chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các gói hỗ trợ của Chính phủ. Lý do là điều kiện để vay vốn mà các ngân hàng đưa ra cho DN ngặt nghèo, khó khăn... Còn theo đại diện một DN lĩnh vực logistics, dù có nhiều chính sách cải cách môi trường kinh doanh, song khâu thực thi vẫn còn hạn chế.

Thông tin thêm về tình hình cải cách điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, Bộ KH&ĐT cũng cho biết, tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, gây bức xúc lớn cho DN, đi ngược lại với các chỉ đạo của Chính phủ đã được phản ánh trước đây chưa có chuyển biến. Những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết. Đơn cử như yêu cầu kiểm tra nhà nước về an toàn lao động trước thông quan đối với sản phẩm hàng hoá nhóm 2 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi; kiểm tra hiệu suất năng lượng… “Những bất cập này đang ngày càng tạo gánh nặng chi phí đối với DN trong khi không đạt hiệu quả về quản lý nhà nước”, bà Nguyễn Minh Thảo nói.

Tin cùng chuyên mục