Cần liều “vắc xin” đủ mạnh cho doanh nghiệp vượt dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những giải pháp tiếp theo để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu tác động của dịch Covid-19 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính nghiên cứu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8/2021.
Dịch bệnh gây ra khó khăn chưa từng có cho doanh nghiệp và người dân, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Ảnh: Lê Tiên
Dịch bệnh gây ra khó khăn chưa từng có cho doanh nghiệp và người dân, vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Ảnh: Lê Tiên

Theo một số chuyên gia, những khó khăn của doanh nghiệp sẽ còn thể hiện rõ hơn trong thời gian tới, vì con số thống kê có độ trễ. Do đó, những giải pháp hỗ trợ mới cần kịp thời, thậm chí có quy mô lớn chưa từng có…

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn của doanh nghiệp 7 tháng đầu năm nay khác với năm 2020. Năm 2020 tác động của dịch đến các doanh nghiệp đã rất lớn nhưng chủ yếu là doanh nghiệp du lịch, hàng không, dịch vụ, ăn uống… Năm 2021, dịch bệnh tác động càng nghiêm trọng, lan rộng sang nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An… Mức độ lan rộng của dịch bệnh tại các khu công nghiệp hiện rất lớn. “Doanh nghiệp, xuất khẩu, sản xuất, lao động bị ảnh hưởng sẽ tăng cao hơn trong những tháng còn lại. Con số 7 tháng chưa phản ánh hết thực tế nên những tháng tới cần có giải pháp quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, về mặt chính sách, Chính phủ đang có những giải pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh quá trình cải cách hỗ trợ doanh nghiệp. Về hỗ trợ, sau gói 62.000 tỷ đồng và gói 16.000 tỷ đồng, gói 26.000 tỷ đồng vừa được đưa ra có cách thức tiếp cận dễ dàng hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ hiện nay chưa đủ liều và hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm các gói hỗ trợ tăng cường. Dịch bệnh gây khó khăn chưa từng có vì vậy những gói hỗ trợ cũng phải lớn chưa từng có. Đối với Chính phủ, cần nhất trong thời gian tới là chính sách hỗ trợ cụ thể. Ví dụ, doanh nghiệp hiện vừa phải lo vận hành kinh doanh vừa đương đầu với rất nhiều chi phí, nếu Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí chống dịch, thì chính sách sẽ đến ngay được với doanh nghiệp. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, những ứng xử, hỗ trợ của Chính phủ, địa phương trong thời gian tới đối với doanh nghiệp sẽ như những liều vắc xin giúp doanh nghiệp sống sót, tồn tại qua đại dịch.

PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần ưu tiên bảo đảm nguồn cung và tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhanh và hiệu quả cho đồng thời khối doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhóm hộ kinh doanh đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hạn chế và giãn cách xã hội ở khắp các thành phố lớn và trung tâm kinh tế trọng điểm.

Mặt khác, do nguồn lực tài khóa hạn hẹp, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong thời kỳ đại dịch cần phải đúng trọng tâm, tiết kiệm và đúng địa chỉ. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức. Tiếp đến, các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng như miễn, giảm phí công đoàn, lãi vay, tiền thuê đất… nên được thực hiện nếu có nguồn lực. Tiếp theo, sớm thiết kế gói chính sách kích thích và phục hồi sản xuất, kinh doanh chung cho các loại hình doanh nghiệp và hộ kinh doanh, các chính sách hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng như các hộ kinh doanh sau khi dịch bệnh đã được cơ bản khống chế.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khuyến nghị, cần quy định rõ cách thức đăng ký, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho từng nhóm đối tượng, trong đó có nhóm người lao động; những ưu tiên, khuyến khích cho doanh nghiệp, người lao động sau tiêm. Có chính sách hỗ trợ riêng về đào tạo lại nghề cho người lao động đối với các doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình, phương thức kinh doanh do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như do tác động của quá trình chuyển đổi số. Đây là chính sách lớn vừa cơ bản vừa lâu dài, rất có ý nghĩa trong bối cảnh, tình hình hiện nay. Đồng thời, ban hành một số chính sách hoặc gói hỗ trợ mang tính chuyên sâu cho các doanh nghiệp du lịch, hàng không, dệt may, sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ đào tạo… để những đối tượng này sớm vực dậy sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế nội địa.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành kỳ vọng, tiến độ sửa đổi nhiều khuôn khổ pháp lý sẽ được đẩy nhanh. Bên cạnh đó, với việc Quốc hội trao thẩm quyền cao hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để kịp thời ứng phó với đại dịch, doanh nghiệp sẽ có khả năng tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ, ngân hàng tốt hơn.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục