Muốn doanh nghiệp trụ vững, cần tiếp sức kịp thời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg từ ngày 9/7 cùng với diễn biến dịch bệnh phức tạp là trở ngại lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM và nhiều tỉnh, thành phố khác. Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh giải pháp vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh, cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận chính sách hỗ trợ và kéo dài thời gian áp dụng các chính sách này.

“Kéo dài thời hạn và tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách hỗ trợ”

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam

Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ, gỡ khó cho DN và người dân. Nhiều địa phương cũng thực thi các gói hỗ trợ riêng cho các đối tượng chịu tác động của dịch bệnh. Các khoản giảm thu, giãn thu rất quan trọng và ý nghĩa đối với DN khi gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, giúp DN có dòng tiền để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh với DN là rất nặng nề, vì vậy cần tiếp tục kéo dài các chính sách hỗ trợ, đồng thời nghiên cứu cách thức thực hiện để DN và người dân thuận lợi trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu những giải pháp mang tính trung và dài hạn giúp DN hồi phục sản xuất sau dịch.

“Đa dạng chính sách ưu đãi dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp”

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Cần nhìn nhận trực diện về sức tàn phá của đại dịch đến sức khỏe của DN, để từ đó có các nhóm giải pháp hỗ trợ DN và người dân thật sát, hiệu quả. Đồng thời, trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân cần phải chung sức, đồng lòng. Ngay từ sớm, TP.HCM đã triển khai gói hỗ trợ 886 tỷ đồng và giải quyết trong vòng 7 ngày làm việc là hành động rất nhanh, kịp thời. Với gói hỗ trợ này, Thành phố đã hỗ trợ cho rất nhiều người lao động phải tạm hoãn, nghỉ việc không lương, chấm dứt lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp...; những hộ kinh doanh bị ngừng hoạt động theo yêu cầu của Thành phố để chống dịch. Sau đó, Chính phủ yêu cầu triển khai ngay gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho 12 đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch phần nào làm vơi bớt những nỗi lo toan, vất vả của người dân.

Sắp tới, Thành phố cần phải chia nhóm DN, tùy loại hình hoạt động của từng nhóm, mức độ thiệt hại, quy mô, khả năng phục hồi... để hỗ trợ. Đối với DN gặp khó, tạm ngừng kinh doanh như du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, vận tải… phải có những chính sách hỗ trợ đặc thù hơn, dài hơi hơn. Cho vay lãi suất ưu đãi, thậm chí là 0% để DN trang trải các chi phí, trả lương, giữ chân người lao động, có thể phục hồi hoạt động khi dịch được kiểm soát là một hướng đúng đắn.

Bên cạnh đó, cần tung ra những chính sách với ưu đãi tối đa trong việc thuê đất, thuê mặt bằng... để DN cầm cự, duy trì hoạt động, nhất là trong những nhóm ngành đặc thù như hàng không, dịch vụ. Các DN có quá trình kinh doanh hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế… cần được ưu tiên hỗ trợ.

“Ưu tiên trước hết là kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh”

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước và TP.HCM là một trong các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Trong thời gian này, TP.HCM cần có những biện pháp cách ly phù hợp để tránh gây khó khăn cho người dân, đưa ra những yêu cầu, biện pháp thực hiện Chỉ thị 16 phù hợp với điều kiện thực tiễn và có sự rút kinh nghiệm liên tục từ các bài học trong điều hành.

TP.HCM cũng cần bảo đảm tốt nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa trong thời gian cách ly. Việc giãn cách xã hội hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe và đời sống của người dân, nhất là những người nghèo, những người yếu thế.

Với vị thế là một trong các trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, việc phải giãn cách xã hội chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tốc độ phát triển của Thành phố. Tuy nhiên, ưu tiên ngay lúc này là TP.HCM phải kiểm soát và đẩy lùi được dịch bệnh, sớm quay trở lại trạng thái bình thường mới. Sau khi ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh, hy vọng TP.HCM sẽ sớm áp dụng các biện pháp hiệu quả để từng bước khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

“Không để đứt gãy chuỗi sản xuất, không phân biệt DN nhà nước hay tư nhân”

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế

Chính phủ cần rà soát các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ tư để nghiên cứu, xem xét tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng. Tiếp đó, cần mở rộng các gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ. Do dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, nhu cầu vay vốn của DN sẽ giảm, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước.

Với tình hình dịch bệnh hiện nay, DN tại TP.HCM đã khó sẽ càng khó khăn hơn. Bên cạnh việc hạ lãi suất, khoanh nợ..., hệ thống ngân hàng cần hỗ trợ, ưu tiên cho hồ sơ vay vốn của DN. Việc hỗ trợ DN thời điểm này một lần nữa được đưa ra xem xét như một vấn đề cấp bách chứ không thể đợi DN đổ vỡ, phá sản rồi mới tính đến phương án hỗ trợ. Chính phủ đã chấp thuận gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập và tiền thuê đất cho DN, được DN đánh giá là chính sách hiệu quả trong nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai. Trong tình hình mới, cần tiếp tục xem xét giãn, hoãn các khoản thu, hỗ trợ DN có đủ sức chống chịu dịch bệnh khi nguồn lực đã cạn kiệt.

Đối với các DN, dù khó khăn đến mức nào, TP.HCM cũng ưu tiên hàng đầu cho việc không để đứt gãy chuỗi sản xuất bằng các chính sách hỗ trợ chống dịch (ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân, hỗ trợ tối đa nhằm ổn định dây chuyền sản xuất, thậm chí là cho công nhân lưu trú ngay tại nhà máy…), hỗ trợ về tín dụng, thuế, không phân biệt tư nhân hay khu vực nhà nước.

“Tránh thủ tục phiền hà, tốn kém không cần thiết”

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI)

Không chỉ riêng TP.HCM, một số tỉnh, thành khác đang thực hiện giãn cách theo các mức độ khác nhau, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và lưu thông hàng hóa. Do đó, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ DN về vốn, cắt giảm phí, gia hạn nộp thuế, cần có cách làm hiệu quả và phù hợp nhất để mạch lưu thông hàng hóa trong nền kinh tế được duy trì, nông sản và các sản phẩm khác đến tay người tiêu dùng và xuất khẩu với mức phí logistics phù hợp, bảo đảm lợi nhuận cho người nuôi trồng, sản xuất. Từ khía cạnh này, có thể thấy việc cần làm là ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ tham gia hoạt động vận tải nói riêng và logistics nói chung. Việc lập chốt kiểm soát tại các tỉnh, thành phố là điều cần thiết song cần bảo đảm thực hiện một cách khoa học, tránh thủ tục phiền hà, tốn kém không cần thiết cho DN và người dân.

Với hoạt động sản xuất, vừa sản xuất vừa phòng dịch là hết sức cần thiết để bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Điều này phải được tổ chức một cách khoa học, thực hiện nghiêm ngặt, chế tài rõ ràng.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục