Báo chí là người bạn đồng hành, chia sẻ khó khăn, cổ vũ những sáng tạo, phê phán những trở ngại, rào cản đối với quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi |
Thưa ông, đại dịch Covid-19 bùng phát đã tác động không nhỏ lên sức khỏe của cộng đồng DN Việt Nam. Những khó khăn đó đã được phản ánh như thế nào trên báo chí?
Theo đánh giá của cộng đồng quốc tế, Việt Nam là một trong những điển hình thành công trong phòng, chống Covid-19 và tăng trưởng kinh tế. Mặc dù đợt dịch bùng phát mới đây vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng một số tổ chức quốc tế vẫn dự báo xếp hạng tăng trưởng của Việt Nam đứng đầu thế giới trong năm nay.
Tuy vậy, chúng ta cũng không thể không nhắc tới những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. Xét trên lĩnh vực kinh tế, 18 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi giá trị, suy giảm sức khỏe DN và nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, báo chí đã tạo được sự chia sẻ, đồng lòng trong cộng đồng cùng thực hiện phong trào toàn dân chống dịch như chống giặc. Báo chí đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa DN với các cơ quan chức năng. Thông qua thông tin trên báo chí, Chính phủ và các cơ quan chức năng có thể nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, lắng nghe ý kiến, đánh giá của DN đối với việc ban hành, thực hiện chủ trương, chính sách, qua đó nâng cao hiệu quả chỉ đạo, quản lý, điều hành. Trên thực tế, nhiều giải pháp thiết thực và gói hỗ trợ đã được thực hiện nhằm cắt giảm chi phí cho DN, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội.
Ông Vũ Tiến Lộc |
Cảm nhận của ông về đội ngũ người làm báo trong cuộc chiến chống dịch Covid-19?
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, báo chí là một trong những lực lượng tiên phong trên tuyến đầu. Thực tế cho thấy, nhiều nhà báo đã không quản ngại khó khăn, xông pha trên các trận tuyến, luôn túc trực và đồng hành cùng người dân và DN, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc của họ.
Trong bối cảnh khó khăn do giãn cách xã hội, giao thương quốc tế bị ngưng trệ, nhiều DN đã nhanh chóng tái cấu trúc, chuyển đổi số, phát huy thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường... Báo chí, truyền thông đã kịp thời biểu dương những tấm gương doanh nhân vượt khó để từ đó truyền cảm hứng, tạo động lực, niềm tin và hy vọng cho các DN khác vươn lên.
Để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh và tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai, cộng đồng DN mong muốn điều gì, thưa ông?
Kiểm soát dịch bệnh đã khó, nhưng làm thế nào để giúp DN trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất, kinh doanh lại càng khó khăn hơn. Cộng đồng DN đánh giá rất cao và ủng hộ chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế. Một trong những giải pháp hàng đầu đang được cộng đồng DN quan tâm là đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Trong đó, cần ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động của DN hoạt động tại các khu công nghiệp.
Việc hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cũng là giải pháp cấp bách hiện nay. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ kéo dài các gói hỗ trợ sang năm 2021 như: giảm lãi suất cơ bản; giãn - hoãn - miễn - giảm có thời hạn các loại thuế và phí; giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các DN hoạt động trong các lĩnh vực bị tác động mạnh bởi Covid-19... Đặc biệt, cần đơn giản hóa các thủ tục giúp DN và người lao động có thể dễ dàng tiếp cận hơn các gói hỗ trợ an sinh xã hội.
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Và giải pháp dài hơi hơn là cần tiếp tục cải cách thể chế mạnh mẽ, để hướng đến một nền hành chính minh bạch, một môi trường kinh doanh thân thiện và cạnh tranh công bằng, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Tôi tin tưởng qua cầu nối truyền thông và báo chí, những mong muốn, kỳ vọng nêu trên sẽ được Chính phủ và các cơ quan chức năng lắng nghe và giải quyết thấu đáo, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng DN Việt ngày càng lớn mạnh.
Ông từng khẳng định, bức tranh chung của báo chí và DN là mối quan hệ đồng hành, cảm thông, chia sẻ giữa những người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận truyền thông và những người chiến sỹ cách mạng trên mặt trận kinh tế. Trong bối cảnh mới với nhiều khó khăn và thách thức, ông kỳ vọng gì vào mối quan hệ này?
Trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, muốn biết nền kinh tế phát triển thành công hay thất bại, chỉ cần nhìn vào thái độ của xã hội với tầng lớp doanh nhân. Một trong những góc nhìn định hướng dư luận xã hội quan trọng bậc nhất về hình ảnh của doanh nhân, DN, đó là kênh thông tin phản ánh của báo chí. Có thể nói, không có một vấn đề bức xúc nào, ở trong bất cứ thời điểm nào của các DN lại không được phản ánh trên mặt báo. Với những đóng góp giúp nâng cao vị thế DN, hình ảnh của doanh nhân trên thương trường và trong xã hội, báo chí thực sự là người bạn đồng hành của DN, chia sẻ những khó khăn với DN, cổ vũ những sáng tạo, phê phán những trở ngại, “rào chắn” đối với quá trình sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, DN và báo chí cần rút ngắn khoảng cách hơn nữa. DN cần cởi mở hơn và chủ động gặp gỡ các kênh báo chí, nhất là những tờ báo uy tín. Ngược lại, báo chí cần có trách nhiệm, công tâm với những tin, bài, thông tin trước khi đưa lên mặt báo, để không làm cho các DN làm ăn chân chính bị tổn thương, đồng thời cũng không để cho các doanh nghiệp làm ăn bất chính, vô trách nhiệm với xã hội lợi dụng.
Bên cạnh đó, báo chí nên tăng cường lập thêm nhiều kênh đối thoại với DN, cũng như tổ chức nhiều hoạt động, chương trình thiện nguyện để DN có thể đồng hành. Nhiều DN đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn lớn nhất là công tác thị trường. Trong khi đó, báo chí là kênh hiệu quả để kích cầu người dân tiêu dùng, nên các cơ quan báo chí cần tích cực, tuyên truyền, quảng bá để đưa sản phẩm, dịch vụ của DN Việt đến tay người Việt nhiều hơn. Đây cũng là cách để hỗ trợ DN chiếm lĩnh thị trường trong nước, từ đó trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất, kinh doanh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)