Công đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ bổ sung các giải pháp miễn, giảm thuế, phí để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Tường Lâm |
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp để có thể áp dụng ngay.
Nội dung chính của các giải pháp tại Dự thảo Nghị quyết gồm: áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ, miễn sắc thuế này 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Việc thực hiện Dự án Nghị quyết này sẽ có tác động giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đồng thời với tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Qua đó, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi, tương ứng số thuế TNCN giảm là khoảng 10.300 tỷ đồng/năm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chính sách tài khóa đang áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp là hoãn, giãn tiến độ nộp các khoản nghĩa vụ như thuế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, nợ phải trả ngân hàng. Trong khi đó, các biện pháp miễn, giảm các khoản phải nộp như thuế, phí hầu như chưa có; các đề xuất bổ sung về thuế là chưa đủ với khó khăn hiện nay.
Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, VCCI đã kiến nghị Chính phủ bổ sung các giải pháp về thuế, phí thiết thực hơn nữa. Cụ thể, ngoài chính sách giãn thời hạn nộp, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT), 50% thuế TNDN trong năm 2020, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 và 2021 nhằm hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh.
Cùng quan điểm, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) kiến nghị Chính phủ tăng liều lượng việc hoãn, giãn, giảm thuế TNDN, thuế GTGT trong năm 2020; giảm 50% tiền thuế đất đến hết năm 2020.
Đó cũng là một phần trong số các kiến nghị vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) gửi đến Chính phủ. Theo đó, VEIA kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm là 2020 và 2021. Hiệp hội này cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu một “gánh nặng” là chi phí tiền thuê đất cao. Đây cũng là bất cập khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải “cạnh tranh không cân sức” với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vốn có tiềm lực rất mạnh lại đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước về miễn tiền thuê đất… Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải chịu thêm sự ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ dịch Covid-19 làm suy giảm doanh thu.
Bên cạnh đó, theo VEIA, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu miễn, giảm thuế đất đai, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.