Cần tăng thời hạn thông báo, niêm yết đấu giá khai thác khoáng sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản. Một trong những nội dung nhận được quan tâm và góp ý của cộng đồng doanh nghiệp là việc cần tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động đấu giá khai thác khoáng sản.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo phiên bản đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường công khai lấy ý kiến đóng góp, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của 6 nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản, gồm: Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Nghị định số 51/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Trong đó, liên quan đến Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, Điều 14.3 tại dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về đăng công khai kế hoạch đấu giá trên website của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp và hiệp hội phản ánh rằng dự thảo Nghị định sửa đổi chưa có quy định về thời điểm công khai. Việc bổ sung quy định thời điểm công khai thông tin sớm sẽ giúp doanh nghiệp có đủ thời gian cân nhắc, chuẩn bị tham gia đấu giá.

Mặt khác, Điều 18 tại dự thảo Nghị định sửa đổi đã quy định việc niêm yết thông tin đấu giá phải được thực hiện ít nhất 15 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Trong khi đó, Điều 17.2 dự thảo Nghị định sửa đổi quy định thời gian nộp hồ sơ tham gia đấu giá là kể từ ngày niêm yết đến trước ngày mở cuộc đấu giá 15 ngày làm việc. Như vậy, VCCI cho rằng, các quy định này có thể dẫn đến tình trạng ngày bắt đầu niêm yết, cũng là ngày cuối cùng nhận hồ sơ tham gia đấu giá, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận cuộc đấu giá.

“Khoảng thời gian từ khi thông báo mở bán hồ sơ cho đến khi hết hạn nhận hồ sơ quá ngắn là một trong những biện pháp thường được sử dụng để thao túng cuộc đấu giá, đấu thầu. Do đó, pháp luật cần phải bảo đảm khoảng thời gian này đủ dài để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia. Điều này lại càng quan trọng trong lĩnh vực khoáng sản, vì đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp cần có thời gian tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định trả giá”, VCCI nhấn mạnh.

Đề xuất về các mốc thời gian tiến hành đấu giá, một số doanh nghiệp, hiệp hội cho rằng, việc thông báo, niêm yết thông tin phải được thực hiện ít nhất 30 ngày trước ngày bắt đầu nhận hồ sơ, hoặc 60 ngày trước ngày hết hạn nhận hồ sơ. Tài liệu thông báo, niêm yết phải được duy trì liên tục từ khi bắt đầu cho đến khi có kết quả đấu giá. Các tài liệu này không được thay đổi, điều chỉnh và phải được lưu trữ nguyên vẹn. Thời gian nhận hồ sơ kéo dài ít nhất 30 ngày để các doanh nghiệp có đủ thời gian cân nhắc tham gia. Thời điểm kết thúc nhận hồ sơ từ 2 - 5 ngày trước khi mở phiên đấu giá.

Không chỉ có thông tin về kế hoạch, thông báo, hay niêm yết đấu giá, mà theo nhiều ý kiến, thông tin về nội quy cuộc đấu giá cũng rất quan trọng, cần phải được công khai, minh bạch. Tuy nhiên, Điều 20 tại dự thảo Nghị định sửa đổi chưa có quy định về việc phải công khai, hay cung cấp nội quy này cho người tham gia đấu giá. Do vậy, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về việc công khai nội quy cuộc đấu giá và phải được cung cấp cho người tham gia đấu giá khi mua hồ sơ.

Tại Điều 53 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất cơ chế cho phép nhà đầu tư hoặc nhà thầu các công trình, dự án quan trọng quốc gia được khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ dự án mà không thông qua đấu giá, không cần làm thủ tục cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản, thủ tục đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.

Theo nhiều ý kiến doanh nghiệp, đây là biện pháp cần thiết giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án này.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, Điều 53b.5 chỉ cho phép nhà đầu tư hoặc nhà thầu trực tiếp thi công dự án mới được thực hiện việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ công trình, dự án quan trọng quốc gia, mà không có quy định cho phép các doanh nghiệp này thuê hay hợp tác với đơn vị khác để làm. Điều này có thể khiến cho việc khai thác khoáng sản được thực hiện bởi các đơn vị không chuyên, thiếu kinh nghiệm, làm gia tăng nguy cơ tai nạn, ô nhiễm môi trường, giảm khả năng khai thác hiệu quả. Nếu cho phép các nhà đầu tư, nhà thầu này được thuê hoặc liên kết với các đơn vị chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thì sẽ mang lại hiệu quả khai thác tốt hơn.

Trên cơ sở ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh Điều 53b.5 theo hướng cho phép nhà đầu tư, nhà thầu được thuê hoặc hợp tác với đơn vị khác để khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhưng đồng thời phải bảo đảm việc giám sát sản lượng để khoáng sản đó chỉ được dành cho công trình, dự án quan trọng quốc gia.

Tin cùng chuyên mục