Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24 giờ qua (từ 8 giờ ngày 12/9 đến 8 giờ ngày 13/9), ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to. Tại Bình Cảng và Ân Nghĩa (tỉnh Hòa Bình), lượng mưa đo được lần lượt là 83mm và 70,8mm; Hiền Chung của tỉnh Thanh Hóa 74,2mm…
Trong 3-6 giờ tới (từ 9 giờ đến 15 giờ ngày 13/9), khu vực các tỉnh Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa với lượng mưa từ 5-10mm, có nơi trên 20mm.
Gần một tuần sau khi bão số 3 (siêu bão Yagi) đổ bộ vào Việt Nam, các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang phải căng mình chống chọi với hậu quả của hoàn lưu bão, gây ra các vụ sạt lở nghiêm trọng.
Đáng chú ý, mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trước xu thế trên, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo trong 6 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại 67 huyện, thị xã, thành phố ở 12 tỉnh gồm: Mộc Châu, Vân Hồ (tỉnh Sơn La); Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Văn Bàn, thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
Lục Yên, Mù Căng Chải, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình (tỉnh Yên Bái); Bắc Quang, Đồng Văn, Quản Bạ, Xín Mần, Yên Minh (tỉnh Hà Giang); Hàm Yên, Sơn Dương, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang, Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang); Ba Bể, Chợ Đồn, Chợ Mới (tỉnh Bắc Kạn); Cẩm Khê, Hạ Hoà, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thuỷ, Yên Lập (tỉnh Phú Thọ); Đại Từ, Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên); Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).
Bá Thước, Lang Chánh, Mường Lát, Như Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Thạch Thành, Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa); Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Thanh Chương (tỉnh Nghệ An).
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.