Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột: Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo kế hoạch được duyệt, Dự án cao tốc nối từ Khánh Hòa đến TP. Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk) sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2027. Trong đó, Dự án thành phần 1 được đăng ký hoàn thành vào cuối năm 2025. Dù vậy, tiến độ dự án này đang chậm từ 12 - 27% tùy theo vị trí từng gói thầu đang khiến các mốc tiến độ đưa ra trở nên kém chắc chắn.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hạnh
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hạnh

Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, được chia làm 3 dự án thành phần (DATP). Trong đó, DATP 1 do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình nông nghiệp và giao thông (NN>) tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 31,5 km. Gói thầu Xây lắp số 1 dài 22 km đã được UBND tỉnh Khánh Hòa đăng ký hoàn thành vào cuối năm 2025, nằm trong 3.000 km đường bộ cao tốc hoàn thành trong 500 ngày đêm của đợt thi đua cao điểm do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND thị xã Ninh Hòa, tại DATP 1 còn 6 trường hợp chưa thống nhất bàn giao mặt bằng. Trong đó, có 5 trường hợp có nhà ở trên đất thu hồi. Đại diện UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, việc cưỡng chế một số trường hợp sẽ phức tạp trong xử lý tài sản trên đất; trong khi vận động, thuyết phục gặp khó khăn do người dân kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương, nên Thị xã đã báo cáo UBND Tỉnh xem xét.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), Ban QLDA ĐTXD các công trình NN> tỉnh Khánh Hòa cho biết đã phê duyệt 100% phương án bồi thường và bàn giao gần 97% mặt bằng (theo chiều dài tuyến) cho nhà thầu thi công. Tuy nhiên, DATP 1 còn vướng 11 điểm với chiều dài tuyến khoảng 1 km. Để bảo đảm hoàn thành vào cuối năm 2025, Ban QLDA ĐTXD các công trình NN> tỉnh Khánh Hòa kiến nghị UBND Tỉnh cần chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa đẩy nhanh công tác GPMB và bàn giao cho nhà thầu trước ngày 15/4.

Trong khi đó, DATP 2 dài 37,5 km thuộc địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư hiện có tiến độ thi công khá chậm do vướng gần 2 ha đất rừng chưa được chuyển đổi. Ngoài ra, phần taluy trên cao bên phải hầm phía Tây tỉnh Đắk Lắk cũng đang vướng đất rừng sản xuất của một hộ dân chưa giải quyết xong. Theo Liên danh nhà thầu Đèo Cả, khoảng 6.000 m² tại tỉnh Đắk Lắk chưa được phê duyệt phương án thu hồi và đền bù cho người dân. Tại Khánh Hòa, DATP 2 cũng gặp vướng mặt bằng do nhánh trái vẫn đang chờ phương án phê duyệt tài sản cuối cùng và phải hoàn tất đấu giá mới có thể tiếp nhận bàn giao.

Trong số 3 DATP thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, DATP 3 qua tỉnh Đắk Lắk có tiến độ bảo đảm nhất, nhưng cũng gặp nhiều vướng mắc về mặt bằng, đá xây dựng, mỏ đất đắp, đường điện dân sinh, đặc biệt là vấn đề đổ thải. Theo Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, khối lượng vật liệu thừa trong quá trình thi công DATP 3 rất lớn, hiện tại chủ yếu đổ trên đất của người dân, buộc phải bàn giao lại. Trong khi đó, việc tìm kiếm vị trí đổ thải mới và chi phí vận chuyển rất tốn kém, vướng thủ tục, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn để quản lý theo quy định.

Với các vướng mắc khác, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo ban quản lý dự án, nhà thầu, UBND huyện Krông Pắc và các sở, ngành tích cực đẩy nhanh tiến độ cấp mỏ đất cho nhà thầu thi công. Về thiếu đá xây dựng, Tỉnh đã thống nhất với ban quản lý dự án và các nhà thầu, cùng Ban Quản lý dự án 6, điều chuyển đá từ DATP 2 sang DATP 3 để đẩy nhanh tiến độ. Về đường điện dân sinh, UBND huyện Krông Pắc đã chỉ đạo các xã triển khai nhanh chóng, vừa hỗ trợ người dân, vừa tạo điều kiện cho nhà thầu thi công.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ và giải quyết các vướng mắc để DATP 1 hoàn thành đúng cam kết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trong chuyến kiểm tra thực địa cách đây mấy ngày đã chỉ đạo chủ đầu tư và nhà thầu thi công tận dụng tối đa mặt bằng hiện có. Bộ trưởng yêu cầu xây dựng kế hoạch thi công chi tiết, bố trí các mũi thi công hợp lý và tập trung mọi nguồn lực để tổ chức thi công tinh thần “3 ca, 4 kíp”. “Mặt bằng đến đâu tổ chức thi công ngay đến đó. Khó khăn ai cũng thấy, nhưng vượt qua để làm nên kỳ tích mới là điều quan trọng”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục