Đề xuất nhiều cơ chế đặc thù xây cao tốc Quy Nhơn - Pleiku

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku thuộc hành lang Đông - Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ. Với mục tiêu khởi công Dự án trong năm 2025 và đưa vào khai thác năm 2029, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Xây dựng) đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ban Quản lý dự án 2 cho biết, Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 38.917 tỷ đồng; điểm đầu tại Quốc lộ 19B thuộc xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) thuộc TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tổng chiều dài Dự án là khoảng 123 km; trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Bình Định khoảng 37,4 km, qua địa phận tỉnh Gia Lai khoảng 85,6 km.

Để bảo đảm tính khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án, theo Ban Quản lý dự án 2, cần áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù cũng như thực hiện phân cấp, phân quyền đầu tư cho địa phương, những giải pháp đã phát huy hiệu quả tại một số dự án cao tốc vừa qua.

Thứ nhất là chính sách về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất đối với các mỏ khoáng sản đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn khai thác, còn trữ lượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất theo nhu cầu của Dự án mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh. Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp giấy phép, UBND tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản này vào phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh…

Về bãi đổ chất thải rắn xây dựng, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất, UBND cấp tỉnh quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong hồ sơ khảo sát Dự án và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để đổ chất thải rắn xây dựng của Dự án. UBND tỉnh tổ chức quản lý bãi đổ chất thải rắn xây dựng của Dự án theo quy định của pháp luật...

Theo Ban Quản lý dự án 2, Dự án có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật phức tạp, thời gian thực hiện gấp nên chưa thể lường hết được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện có thể làm thay đổi một số nội dung đã được phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư. Trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh Dự án, giảm thiểu trình tự thủ tục, bảo đảm tiến độ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các cơ quan thực hiện, đề xuất phân cấp cho Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án trong một số trường hợp như khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới Dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời gian bảo hiểm của Dự án; chỉ số giá trong thời gian thực hiện Dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư.

Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Ban Quản lý dự án 2 đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện các tiểu dự án đối với công tác di dời công trình điện có điện áp từ 110 kV trở lên. UBND cấp tỉnh có Dự án đi qua triển khai xây dựng khu tái định cư trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời cho phép UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai công tác thu hồi đất khi chưa hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc tái định cư; cho phép các tỉnh, thành phố được ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án.

Ban Quản lý dự án 2 cũng cho biết, tiến độ trình duyệt chủ trương đầu tư Dự án rất gấp, không đủ thời gian để lập hồ sơ đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để kịp trình Chính phủ, Quốc hội vào kỳ họp tháng 6/2025. Do đó, chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi của Dự án.

Tin cùng chuyên mục