Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN |
Cả nước có 619 đấu giá viên đang làm việc tại các tổ chức bán đấu giá trong tổng số 1.259 người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, 63 Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 190 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản. Đấu giá viên, nếu xét theo các tiêu chuẩn quốc tế hiện đại, chính là linh hồn của các cuộc bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên còn rất nhiều chuyện để bàn.
Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, đội ngũ đấu giá viên ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hoạt động bán đấu giá tài sản, bảo đảm an toàn pháp lý trong việc xử lý tài sản; phòng ngừa tranh chấp, vi phạm pháp luật, thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính trong lĩnh vực đấu giá. Ngoài ra, đội ngũ đấu giá viên cũng đã tích cực đóng góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đấu giá, đấu giá viên đã tích cực tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về bán đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, chính Bộ Tư pháp cũng phải thừa nhận, chất lượng của đội ngũ đấu giá viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, bất cập. Gần 1/2 số đấu giá viên hiện nay chưa qua đào tạo nghề; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn hạn chế. Việc chủ động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản một cách thường xuyên chưa được nhiều đấu giá viên coi trọng. Chỉ có khoảng gần 1/2 số người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá đang hành nghề tại tổ chức đấu giá; số người được Cấp chứng chỉ còn lại không hành nghề đấu giá trong thực tế.
Kể từ khi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có hiệu lực, số lượng đấu giá viên đã có sự tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, chủ yếu đấu giá viên phát triển tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có điều kiện kinh tế phát triển như Hà Nội và TP.HCM. Hiện nay, Hà Nội có 148 đấu giá viên, TP.HCM có 73 đấu giá viên. Lai Châu là địa phương duy nhất chỉ có 1 đấu giá viên.
Theo số liệu khảo sát của Bộ Tư pháp tại 24 tỉnh, thành trong cả nước thì trong số 399 đấu giá viên đang hành nghề tại các địa phương, có 99 đấu giá viên (chiếm 25% tổng số đấu giá viên) đang làm việc tại các trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và 300 đấu giá viên (chiếm 75% tổng số đấu giá viên) đang làm việc tại các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.
''Nhìn chung, chất lượng đấu giá viên của chúng ta hiện nay là yếu'', đại diện Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM thẳng thắn nhận xét và nhận xét này nhận được sự đồng tình của rất nhiều Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản khác.
Đang đào tạo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản thuộc các Sở Tư pháp đều có chung nhận định, thực trạng chất lượng đấu giá viên chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra là do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất chính là tình trạng đào tạo đấu giá viên đang ở dạng “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa đi sâu vào chuyên môn.
Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cho biết: ''Tôi đã trực tiếp tham gia đứng lớp giảng dạy nhiều khóa đào tạo đấu giá viên với thời lượng 3 tháng. Bản thân tôi cho rằng, đấu giá viên là một nghề đòi hỏi phải có sự am hiểu tổng hợp về hệ thống chính sách pháp luật và chuyên sâu về các luật chuyên ngành. Nếu bản thân người tham gia các khóa đào tạo đấu giá viên không xuất thân từ ngành luật thì nền tảng của họ là rất thấp và về cơ bản là không đáp ứng được nhiều yêu cầu của công việc đấu giá''. Cũng theo chia sẻ của ông Phạm Văn Sỹ, nhiều người chỉ qua đào tạo 3 tháng đã được cấp chứng chỉ, hành nghề, nhưng điều tai hại là không được cọ xát nhiều với thực tế đấu giá nên nhận xét chất lượng đấu giá viên yếu là hoàn toàn có cơ sở.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản Long An cho rằng, đấu giá tài sản, đặc biệt là tài sản nhà nước, là lĩnh vực đa dạng và đòi hỏi người điều hành các cuộc đấu giá phải vững vàng trước mọi câu hỏi của các đối tượng tham gia đấu giá. ''Với chất lượng đào tạo đấu giá viên như hiện nay, không khó hiểu để lý giải thực trạng các đấu giá viên của chúng ta còn nhiều mặt yếu kém. Sự trưởng thành của các đấu giá viên cũng thể hiện qua các đợt cọ xát với thực tế, qua các cuộc đấu giá cụ thể. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, số lượng tài sản được đem ra tổ chức đấu giá chưa nhiều, chưa tạo điều kiện thuận lợi để các đấu giá viên phát huy năng lực'', ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Thông tin với Báo Đấu thầu, nhiều Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản cho biết, đối với nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này, cần thời gian cọ xát từ 5 - 7 năm trực tiếp làm việc và phụ giúp các đấu giá viên điều hành trực tiếp các phiên đấu giá, nắm rõ các thủ tục trước, trong và sau phiên đấu giá thì mới được cấp Chứng chỉ đấu giá viên. ''Đấu giá viên là người điều hành các phiên đấu giá, là người rất quan trọng đối với hoạt động đấu giá tài sản. Do đó, không thể đào tạo theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, cấp Chứng chỉ hành nghề dễ dàng như hiện nay. Điều này phần nào dẫn đến thất thu, thất thoát tài sản bán đấu giá vì trình độ của đấu giá viên không thẩm định tốt giá của tài sản'', đại diện nhiều Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản khẳng định.