Trạm thu phí số 1 của tuyến Quốc lộ 5. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Theo đó, Tổng cục Đường bộ sẽ tổ chức lực lượng tiến hành giám sát việc thu phí nhằm xác định doanh thu thực tế tại trạm. Thời gian thực hiện kiểm tra giám sát 24/24 giờ trong 10 ngày liên tục, dự kiến bắt đầu từ ngày 15-24/8.
Lý do lập đoàn kiểm tra giám sát này xuất phát từ thông tin phản ánh gian lận thu phí tại Quốc lộ 5, nhân viên thu phí tại trạm không giao cuống vé cho lái xe qua trạm kiểm soát, thu tiền thấp hơn quy định của nhà nước và bỏ túi, thu lời.
Ngoài ra, theo thống kê của Tổng cục Đường bộ, đến ngày 1/8 vừa qua, tổng số 48 trạm thu phí cho 43 dự án BOT do Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan Nhà nước có thấm quyền đang trong giai đoạn kinh doanh khai thác. Đến năm 2020, khoảng 30 trạm thu phí BOT sẽ thu phí, nâng tổng số trạm thu phí lên khoảng 78 trạm thu phí.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép Tổng cục Đường bộ việt Nam xây dựng đề án “Tăng cường giám sát và công khai minh bạch doanh thu thu phí đối với các dự án đường bộ có thu phí do Bộ Giao thông vận tải quản lý”. Khi Đề án được triển khai, phần mềm giám sát thu phí được xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý, tăng cường công khai minh bạch công tác thu phí sẽ được hoàn thiện hơn.
“Tuy nhiên, với số lượng lớn trạm thu phí trải khắp đất nước nên việc theo dõi, kiểm tra doanh thu thu phí, công tác tổ chức thu phí của Tống cục gặp rất nhiều khó khăn,” lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.
Vì những lý do trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án khoán số thu cho các trạm thu phí BOT dựa trên cơ sở căn cứ số liệu khảo sát về số thu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và dự báo tăng trưởng lưu lượng hàng năm. Thời gian khoán là 5 năm một lần. Sau 5 năm, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổng hợp số thu thực tế đế làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.
Hiện nay, Tổng cục Đường bộ cũng triển khai kiểm tra việc thu phí của toàn bộ các dự án BOT đang trong giai đoạn kinh doanh khai thác.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ cũng từng kiểm tra giám sát thu phí 10 ngày liên tục tại các trạm thu phí của dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội) theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) sau những tố cáo lẫn nhau giữa các nhà đầu tư góp cổ phần trong dự án.
Kết quả giám sát của Tổng cục tại trạm phí trên cho thấy, trung bình trong 10 ngày, mức phí thu được “chênh lệch” phí lên tới 700 triệu đồng/ngày so với các tháng trước đó trước khi giám sát.
Đại diện liên danh nhà đầu tư dự án này cho rằng, do lưu lượng phương tiện từ Quốc lộ 1 cũ bắt đầu quay ngược trở về để đi đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ trong thời gian vừa qua.
Theo vị đại diện này, kể từ khi tuyến đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ đưa vào khai thác, các phương tiện vẫn có quyền lựa chọn lưu thông trên tuyến đường Quốc lộ 1A (đoạn Ngọc Hồi-Thường Tín).
Tuy nhiên, kể từ khi thành phố Hà Nội có chủ trương đầu tư, nâng cấp tuyến đường Quốc lộ 1 cũ, xây dựng cầu vượt Ngọc Hồi... cung đường này hay xảy ra ùn tắc, phương tiện lưu thông chậm nên bài toán kinh tế về chi phí về xăng, dầu, thời gian đi lại sẽ tốn kém hơn trước nhiều nếu so sánh với mức phí cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ.
“Do đó, nhiều xe đã quay trở lại chạy trên đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, dẫn đến lượng phương tiện gia tăng đột biến và điều này cũng làm doanh số thu phí có sự chênh lệch so với thời gian trước đó,” đại diện liên danh nhà đầu tư khẳng định.
Đối với dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân-Cầu Giẽ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư chủ trì, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám sát của Tổng cục Đường bộ để xây dựng lại phương án tài chính điều chỉnh hợp đồng dự án./.