Nghi lễ cắt băng khánh thành chính thức thông xe Hầm Đèo Cả ngày 21/8. Ảnh: BNEW |
Ông Hồ Minh Hoàng, Tổng giám đốc DCIC (chủ đầu tư dự án) cho biết, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện; trong đó có gần 2 năm chuẩn bị và hơn 4 năm tổ chức thi công, đến nay công trình xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả đã được hoàn thành và chính thức được đưa vào khai thác sử dụng.
Trong 6 năm qua, chủ đầu tư, các nhà thầu, các đối tác và cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động tham gia thực hiện dự án đã vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực làm việc không ngừng nghỉ để có được kết quả như ngày hôm nay.
“Với quyết tâm đưa dự án về đích đúng tiến độ, phần lớn thời gian thi công đã diễn ra liên tục 3 ca, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ... Vượt qua những khó khăn về địa hình, địa chất, thời tiết…, dự án đã về đích đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, góp phần tạo lên một diện mạo mới về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của vùng Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung", ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.
Phát biểu tại lễ thông xe Hầm Đèo Cả, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, dự án Hầm Đèo Cả là công trình trọng điểm Quốc gia, sau khi hoàn thành sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến Quốc lộ 1.
Đặc biệt dự án sẽ tạo đà phát triển công nghiệp, du lịch khu vực duyên hải miền Trung; tăng cường liên kết vùng; trong đó kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong và thành phố Nha Trang, các khu công nghiệp lân cận và các khu du lịch trong vùng.
“Đối với công trình đưa vào khai thác ngày hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ, với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tổ chức khai thác công trình an toàn, hiệu quả; trong đó đặc biệt quan tâm bảo đảm an toàn giao thông”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo.
Những chuyến xe đầu tiên đi qua Hầm Đèo Cả sáng 21/8. Ảnh: BNEWS
Dự án Hầm Đèo Cả trên tuyến Quốc lộ 1 được Bộ Giao thông Vận tải lập dự án vào năm 2001. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1250/TTg-KTN (ngày 27/7/2009) cho phép dự án triển khai theo hình thức BOT và BT.
Được chọn là nhà đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đã thuê Công ty tư vấn Egis (Cộng hòa Pháp) liên danh cùng một số tổ chức tư vấn trong nước để lập báo cáo khả thi (FS), mời tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) - đơn vị thiết kế hầm Hải Vân để chủ trì triển khai các bước thiết kế sau thiết kế cơ sở của dự án.
Công trình bị trì hoãn nhiều năm do khó khăn trong khâu huy động vốn. Bước ngoặt lớn nhất khi lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ xin chuyển hướng sử dụng vốn của nhà tài trợ trong nước, cùng đó nhà đầu tư, nhà thầu cũng 100% của Việt Nam.
Ông Lê Quỳnh Mai, Phó tổng giám đốc thường trực DCIC cho hay: Sau lễ thông xe, đơn vị tổ chức lưu thông miễn phí 10 ngày để người dân đi lại, tham quan dịp cao điểm nghỉ lễ 2/9/2017. Dự kiến từ 3/9, dự án sẽ thực hiện thu phí. Tất cả trang thiết bị vận hành, khai thác được tổ chức, đảm bảo hầm hoạt động ổn định, an toàn tuyệt đối.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc sớm đưa công trình trọng điểm vào khai thác sẽ phát huy tối đa hiệu dụng dự án, rút ngắn 9km, kéo giảm đến 40 phút hành trình so với lưu thông đường đèo, đảm bảo an toàn giao thông, lưu thông mùa mưa bão, phát triển thông thương giữa các địa phương và liên vùng. Đặc biệt, từ mô hình Đèo Cả đặt ra những bài học kinh nghiệm về thu hút nguồn lực xã hội, đầu tư công với các hình thức PPP, BOT, BT.
Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả (trên Quốc lộ 1) được khởi công từ tháng 11/2012. Dự án có điểm đầu tại Km1353+150 Quốc lộ 1 (Phú Yên) điểm cuối tại Km1374+525 Quốc lộ 1 (Khánh Hòa) với tổng chiều dài 13,19 km; trong đó hầm Đèo Cả dài 4.125m, hầm Cổ Mã dài 500m.
Với mức đầu tư trên 11.300 tỷ đồng, Hầm Đèo Cả được thi công theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 80km/h, với 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng xe khẩn cấp.