Chờ thời khởi công các dự án lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc đẩy mạnh tiến độ các đại dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các nhà thầu, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng bứt tốc trong năm 2023, trong bối cảnh những khó khăn của các chủ đầu tư bất động sản đang dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu vật liệu cho các hoạt động xây dựng dân dụng.

Thời gian khó sắp qua…

Năm 2022 có thể xem là năm nhiều khó khăn với các doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Vào thời điểm đầu năm, giá cả các loại hàng hóa, nguyên, nhiên liệu sản xuất tăng cao, sau đó lại giảm nhanh khiến nhiều doanh nghiệp bị động trong công tác quản lý chi phí, thậm chí thua lỗ do phải trích lập dự phòng hàng tồn kho. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, do chính sách kiểm soát chặt dòng vốn tín dụng chảy vào bất động sản và mặt bằng lãi suất ngân hàng gia tăng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm kể từ đầu năm. Đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, còn chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi hoạt động kinh tế giảm tốc tại các thị trường xuất khẩu chính, bao gồm Mỹ, châu Âu và các nước Đông Nam Á.

Trong ngành thép, các doanh nghiệp đã trải qua quý III/2022 đặc biệt khó khăn với tác động từ mọi phía, đặc biệt là nhu cầu thấp, giá thép giảm mạnh và chi phí nguyên liệu đầu vào cao. Khó khăn từ thị trường khiến kết quả của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành như Hòa Phát Group (CTCP Tập đoàn Hòa Phát), Hoa Sen Group (CTCP Tập đoàn Hoa Sen), Thép Nam Kim (CTCP Thép Nam Kim), VN Steel (Tổng công ty Thép Việt Nam)… đều phải ghi nhận lỗ trong quý III/2022, lợi nhuận lũy kế 9 tháng giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.

Các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2022 - 2026 (Nguồn: Báo cáo triển vọng đầu tư năm 2023 của VNDirect)

Các dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2022 - 2026 (Nguồn: Báo cáo triển vọng đầu tư năm 2023 của VNDirect)

Trong ngành xi măng, tình hình có phần ít khó khăn hơn, nhưng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng ở mức thấp. Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Xi măng Hà Tiên 1 báo lợi nhuận giảm 35,6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 10,3% - mức thấp nhất nhiều năm trở lại đây. CTCP Xi măng Bỉm Sơn báo lỗ trở lại trong quý III/2022 ở mức 37,6 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp xi măng khác có lợi nhuận tăng trưởng, nhưng chủ yếu trên mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021 và vẫn đang thấp hơn nhiều giai đoạn trước đó.

Khó khăn cũng diễn ra với các doanh nghiệp cung ứng đá xây dựng. CTCP CIC319 báo lợi nhuận quý III/2022 giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 9 tháng giảm 45% so với 9 tháng đầu năm 2021. Công ty CP Hóa An (Đá Hóa An) báo cáo lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2022 ở mức tương đương cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm sâu do phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư tài chính có giá thị trường sụt giảm…

Chờ thời khởi công các dự án lớn

Đầu tháng 12/2022, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phát đi thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng tại cuộc họp trực tuyến về kiểm điểm tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của một số chủ đầu tư/ban quản lý dự án (QLDA). Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý là việc Bộ trưởng yêu cầu phấn đấu khởi công toàn bộ 25 gói thầu cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 trước Tết Nguyên đán 2023.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu đáp ứng tiến độ khởi công 12 gói thầu/12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022. Đồng thời, các nhà thầu chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sau khi khởi công phải thực hiện ngay việc triển khai thi công. Đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu phấn đấu khởi công toàn bộ các gói thầu trước ngày 15/1/2023 (trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023).

Các doanh nghiệp có lợi thế khi thực hiện chỉ định thầu (Nguồn: Báo cáo triển vọng đầu tư năm 2023 của VNDirect)

Các doanh nghiệp có lợi thế khi thực hiện chỉ định thầu (Nguồn: Báo cáo triển vọng đầu tư năm 2023 của VNDirect)

Được biết, Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được chia thành 12 dự án thành phần với tổng chiều dài 723,7 km tuyến chính, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (260,9 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (352,06 km) và Cần Thơ - Cà Mau (110,9 km). Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng hơn 146.985 tỷ đồng. Việc khởi công xây dựng các dự án thành phần được kỳ vọng sẽ tạo cú huých cho các doanh nghiệp trúng thầu hợp đồng xây lắp và các doanh nghiệp cung ứng vật liệu cho dự án.

Bên cạnh đó, một loạt dự án đầu tư công lớn khác của các địa phương cũng đang trên đà quyết tâm khởi công trong thời gian ngắn tới. Chẳng hạn tại TP.HCM có Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (đã ­được trình Chính phủ và dự kiến được phê duyệt chủ trương đầu tư); Dự án Nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất đang được TP.HCM phối hợp với các bộ ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư sớm khởi công…

Trong báo cáo đánh giá triển vọng đầu tư năm 2023, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, đầu tư công với nguồn vốn giải ngân năm 2023 dự kiến tăng trưởng 20 - 25% sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa và là trụ đỡ cho tăng trưởng. Triển vọng phát triển kết cấu hạ tầng năm 2023 là khả thi khi các vấn đề về thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao… được giải quyết. Đặc biệt, việc Bộ GTVT được phép chỉ định thầu tại cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp có năng lực tài chính và kinh nghiệm thi công. VNDirect dự báo, những công ty hàng đầu có hồ sơ tốt như VCG, HHV C4G… sẽ có nhiều lợi thế để giành được các gói thầu lớn. Bên cạnh đó, theo tiến độ thực hiện dự án, các doanh nghiệp đá xây dựng và nhựa đường cũng sẽ được hưởng lợi trong năm 2023.

Khối phân tích Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam cũng nhận định, các doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu như đá xây dựng, thép, xi măng, ống nhựa, nhựa đường sẽ nằm trong những nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ việc thúc đẩy đầu tư công năm 2023.

Tin cùng chuyên mục