Chủ động điều hành giá để kiểm soát rủi ro lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá cả hàng hóa nguyên liệu vẫn ở mức cao, gây quan ngại về rủi ro kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đà tăng giá hàng hóa có thể sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới khi cung cầu trở về trạng thái cân đối hơn. Mặt khác, việc theo dõi sát sao biến động giá cả, đa dạng hóa thị trường hàng hóa sẽ góp phần tăng hiệu quả kiểm soát lạm phát trong thời gian tới.
Nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, thị trường bình ổn là một trong những yếu tố góp phần hạn chế nguy cơ lạm phát. Ảnh: Lê Tiên
Nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, thị trường bình ổn là một trong những yếu tố góp phần hạn chế nguy cơ lạm phát. Ảnh: Lê Tiên

Dữ liệu từ thị trường hàng hóa thế giới cho thấy, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất có xu hướng tăng cao. Đơn cử, giá thép bắt đầu tăng mạnh kể từ quý IV/2020 lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Tính từ đầu năm đến nay, giá thép trung bình đạt 883 USD/tấn, cao hơn 301 USD so với mức trung bình của năm ngoái.

Trong báo cáo hàng hóa mới nhất của Ngân hàng Thế giới, giá dầu thô thế giới dự báo đạt trung bình 56 USD/thùng trong năm 2021, cao hơn 30% mức trung bình năm 2020 và tăng lên 60 USD/thùng vào năm 2022. Mặt bằng giá kim loại dự báo tăng 30% trước khi giảm trở lại vào năm 2022. Giá nông sản dự kiến tăng trung bình 14% trong năm nay và tập trung vào một số ít mặt hàng cố định.

Nhận định về thị trường hàng hóa trong năm 2021, Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, xu hướng tăng giá hàng hóa chiếm thế chủ đạo. Hiện tượng lạm phát tăng tiếp tục được ghi nhận ở nhiều quốc gia do đà tăng giá mạnh mẽ của một số nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, VCBS cho rằng, vẫn còn quá sớm để lo ngại về khả năng xảy ra một “siêu chu kỳ hàng hóa” dẫn đến áp lực với lạm phát trong trung và dài hạn.

Theo nhóm nghiên cứu VCBS, trong tháng 5 sẽ ít ghi nhận áp lực tăng lạm phát, thậm chí nghiêng nhiều về kịch bản lạm phát có thể giảm nhẹ so với tháng trước với một số lý do: ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng kéo theo làn sóng thứ 4, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục và nhu cầu di chuyển, du lịch suy giảm; giá lương thực, thực phẩm có xu hướng ổn định cùng khả năng cung ứng tốt. VCBS dự báo, lạm phát tháng 5 có thể giảm 0,1% so với tháng trước, tương ứng tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước.

Trước những lo ngại về nguy cơ lạm phát, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu và diễn biến lạm phát tại nhiều nước trên thế giới trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020, từ đó đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%.

Trong thời gian tới, giá một số mặt hàng dự báo có thể tiếp tục có biến động tăng theo giá thế giới như nhiên liệu, đáng chú ý là xăng dầu, thép, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: giá vé máy bay, vé tàu hỏa, dịch vụ du lịch trọn gói giảm do dịch Covid-19; giá các dịch vụ bưu chính không tăng hoặc giảm nhẹ; giá một số mặt hàng thực phẩm dự kiến thời gian tới có thể ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được bảo đảm, thị trường bình ổn, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, thời gian qua, do nguồn cung giảm nên một số hàng hóa tăng giá và nguy cơ đẩy lạm phát tăng là hiện hữu. Tuy nhiên, cung cầu hàng hóa mất cân đối nghiêm trọng là khó xảy ra bởi thị trường cũng tự cân đối về hàng hóa và giá cả. Mặt khác, nhiều nước có những bộ máy theo dõi rất sát sao biến động của thị trường hàng hóa để có thể can thiệp kịp thời. Biến động trên thị trường dầu khí, sắt thép có thể sẽ không kéo dài quá lâu.

“Việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế là phù hợp trong điều kiện hiện nay, song cũng cần hết sức chú ý kiểm soát lạm phát. Một trong số các giải pháp cần thực thi là đa dạng hóa thị trường nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc và tăng tính linh hoạt trong điều tiết thị trường”, ông Doanh nói.

Tin cùng chuyên mục