Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình |
Điều gì khiến ông luôn đau đáu đưa thương hiệu Hòa Bình nói riêng và ngành xây dựng Việt Nam nói chung ra quốc tế, thưa ông?
Theo số liệu của The Business Research Company, thị trường xây dựng thế giới năm 2022 có giá trị lên đến 14.393 tỷ USD, dự báo năm 2032 tăng lên 25.928 tỷ USD. Trong khi năm 2023, thị trường xây dựng Việt Nam chiếm 7,5% GDP, tức khoảng 32 tỷ USD (theo báo cáo Bộ Xây dựng), chỉ tương đương khoảng 1/450 giá trị tổng sản lượng ngành xây dựng thế giới. Hiện ngành xây dựng ở nhiều nước cầu lớn hơn cung, còn Việt Nam cung lớn hơn cầu, nên lựa chọn xuất khẩu là đúng đắn.
Năm 2023 là một năm chật vật nhưng cũng đáng khích lệ khi Hòa Bình từng bước vượt khó và đàm phán thành công với một nhà đầu tư nước ngoài để cùng mở ra một “đế chế” xây dựng ở nước ngoài?
Hòa Bình đang từng bước thực hiện hoài bão mang thương hiệu xây dựng Việt ra nước ngoài. Mới đây, Hòa Bình đã làm việc với một nhà đầu tư nước ngoài, hai bên dự kiến mở một công ty liên doanh tại đất nước thứ 3, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 120 triệu USD, mỗi bên góp 60 triệu USD.
Hòa Bình sở hữu lượng lớn máy móc, trang thiết bị hiện đại, dù đã khấu hao xong, nhưng đối tác đánh giá cao và đồng ý mua lại với định giá 45 triệu USD, trong đó, Hòa Bình thỏa thuận nhận 30 triệu USD tiền mặt, 15 triệu USD góp vào vốn thành lập Công ty.
Ngoài ra, giá trị thương hiệu Hòa Bình bao gồm kỹ thuật công nghệ thi công; hệ thống quản lý; chuỗi cung ứng; thị trường nước ngoài… là một phần tài sản vô hình được định giá, góp vốn thành lập công ty liên doanh.
Như vậy, Hòa Bình có thêm một công ty thành viên quy mô tương đương 2.900 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ hiện nay là 2.740 tỷ đồng của Hòa Bình, trong đó Hòa Bình nắm giữ 51% cổ phần. Tôi tin rằng, sự hợp tác này là hướng đi triển vọng của Hòa Bình.
Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về nhà đầu tư này?
Nhà đầu tư này có khoảng 10 tỷ USD đang đầu tư ở nước ngoài. Chúng tôi cùng xác định mục tiêu thị trường nước ngoài mới là “miền đất hứa”. Khi có công ty thành viên ở nước ngoài, chúng tôi sẽ phát triển thị trường quốc tế, nhất là ở châu Phi, nơi ngành xây dựng còn lạc hậu và yếu kém.
Tại sao ông và đối tác lại chọn “đánh mạnh” vào thị trường châu Phi mà không phải là những nơi khác?
Hiện nay, chưa tới 10% công trình xây dựng ở châu Phi sử dụng cẩu tháp, vận thăng, giàn giáo thép và áp dụng công nghệ xây dựng hiện đại, cơ giới trong công trình xây dựng; đa phần dùng những phương tiện thô sơ, lạc hậu. Chúng tôi bước vào thị trường châu Phi lúc này chắc chắn sẽ dành được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng tại đây. Tôi đã có chuyến khảo sát tại Thủ đô Nairobi (Kenya) với 14 công trình xây dựng thì tất cả các công trình trên đều không có cần cẩu, vận thăng, máy móc hiện đại. Châu Phi hiện có hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, được xem là thị trường lớn nhất trong tất cả các châu lục.
Ở phía ngược lại, những khó khăn đối với Hòa Bình khi đầu tư ra nước ngoài là gì?
Cái khó không phải là sự cạnh tranh về giá, mà là hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu nguồn nhân lực. Tới đây, chúng tôi sẽ lập thêm công ty chuyên về xuất khẩu lao động để đảm trách vấn đề này cho việc phát triển thị trường nước ngoài của Hòa Bình.
Còn việc cạnh tranh với những công ty trong lĩnh vực xây dựng đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu thì sao, thưa ông?
Hòa Bình sẽ từng bước vượt qua áp lực cạnh tranh quốc tế. Ở Việt Nam, ngày trước nhà thầu nước ngoài gần như chiếm lĩnh thị trường, còn Hòa Bình chỉ là thầu phụ, nhưng nay việc xây dựng những công trình cao tầng gần như vắng bóng các công ty “ngoại”, thay vào đó là những thương hiệu Việt, trong đó có Hòa Bình.
Các nhà thầu Trung Quốc đang ngày càng thiếu nhân lực do chính sách “một con”. Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu cũng vậy. Ấn Độ cũng nhắm đến thị trường châu Phi, nhưng ngành công nghiệp xây dựng của Ấn Độ rất chậm tiến. Thổ Nhĩ Kỳ rất thích thị trường Trung Đông, chỉ một vài nhà thầu tham gia thi công lĩnh vực nhà ở tại châu Phi mà thôi.
Lâu nay chính sách của các nước lớn trong lĩnh vực xây dựng ở châu Phi là không chuyển giao công nghệ. Hòa Bình thì khác, chúng tôi cam kết sẽ giúp cho lục địa này đạt được những tiến bộ vượt bậc về lĩnh vực xây dựng. Vì vậy, họ rất ủng hộ Hòa Bình.
Nghĩa là triển vọng ở thị trường châu Phi sẽ rất tươi sáng?
Đúng vậy. Người châu Phi rất coi trọng văn hóa doanh nghiệp của Hòa Bình cũng như tinh thần đấu tranh cách mạng của Việt Nam. Điểm may mắn là Hòa Bình đang kế thừa được tinh thần ấy. Công nghệ, kỹ thuật là một phần, còn văn hóa doanh nghiệp, hình ảnh quốc gia mới là quan trọng.
Ở châu Phi họ yêu mến và quý trọng dân tộc Việt Nam mình lắm. Đặc biệt, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở châu Phi luôn để lại nhiều dấu ấn tốt đối với người bản xứ và có ảnh hưởng rất quan trọng với họ.
Là người dày dạn kinh nghiệm thương trường, mỗi khi đối diện với khó khăn, khủng hoảng, ông thường hành động theo cách nào?
Trong cơn bĩ cực vừa qua, nhờ những ân tình chia sẻ, đồng hành của các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp/nhà thầu phụ, cán bộ công nhân viên, đặc biệt 99 nhà thầu phụ đã đồng ý ký thỏa thuận hoán đổi nợ bằng cổ phiếu, Hòa Bình mới vượt thoát chao đảo, trụ vững đến hôm nay.
Quan điểm của tôi khi làm nghề là phải giữ vững chữ tín. Chúng tôi không cho phép những sóng gió làm ảnh hướng đến thương hiệu Hòa Bình. Dù trong hoàn cảnh nào, các công trình Hòa Bình thi công luôn được đảm bảo an toàn, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật cao và đúng tiến độ cam kết.
Tôi nghiệm ra, khi đối diện với khó khăn, khủng hoảng, thậm chí là bất đồng chính kiến, mình cần sẻ chia để mọi người cùng sáng tỏ. Khi đã thông suốt, những người bất đồng quan điểm sẽ thấu hiểu và không còn chống đối, còn những người đồng cam cộng khổ với mình sẽ dấn thân cùng mình vượt qua chướng ngại.
Dù có lúc ở trong tình thế bế tắc nhất nhưng tôi không tuyệt vọng mà phải chắt chiu tìm kiếm từng cơ hội. Tôi luôn lạc quan và hành động vì sự tin tưởng mà mọi người dành cho mình. “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”, nỗ lực liên tục và bền bỉ thì cuối cùng cơ hội cũng đến.