Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào

(BĐT) - Phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội sáng 22/5 nóng lên với rất nhiều ý kiến liên quan việc tăng giá điện khiến người dân bức xúc thời gian qua. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lý giải, Chính phủ chọn tăng giá điện vào tháng 3 do không dự báo được việc tháng 4 nóng như đổ lửa. “Cái này phải thông cảm cho Chính phủ” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành giải trình thêm về việc tăng giá điện tại Phiên thảo luận tổ diễn ra sáng 22/5
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành giải trình thêm về việc tăng giá điện tại Phiên thảo luận tổ diễn ra sáng 22/5

Rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Phiên thảo luận tổ sáng ngày 22/5 cho rằng, việc tăng giá điện vừa qua là “chưa hợp lòng dân” và báo cáo về những lý do của dẫn tới tăng giá điện không thuyết phục được dư luận.

Tại Phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành phân trần, giá điện tăng do tăng chi phí của các yếu tố đầu vào, như giá than tăng.

Theo ông Thành, 20.000 tỷ đồng tăng thêm do chi phí đầu vào tăng thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp. “Toàn bộ điều chỉnh giá điện lên 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt”, ông Thành nói.

Đại diện của đơn vị điện lực cho hay, hiện EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%; còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chỉ có 23%.

Việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, mua dầu, mua điện để cung cấp cho dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã họp và báo cáo đầy đủ.

Tại tổ đại biểu tỉnh Nghệ An, đại biểu Lê Thu Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại chỉ ra sự thiếu thuyết phục trong báo cáo giải trình về giá điện được Bộ Công thương gửi các đại biểu Quốc hội. Theo tham khảo ý kiến của nhiều nhà kinh tế thì thực tế giá điện không phải tăng 8,36% như công bố.

Bà Hà ví dụ, Bộ Công Thương lý giải tính luỹ tiến 6 bậc căn cứ tham khảo của một số quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc nhưng ở các nước này họ lại có nhiều chính sách đi kèm. Ở Mỹ có nhiều cơ quan cung cấp điện và cạnh tranh. Bên cạnh đó, những hộ thu nhập thấp được giảm giá đáng kể để không ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người dân.

Ở Hàn Quốc, Chính phủ còn giảm giá điện để giúp các hộ dân vượt qua thời điểm nắng nóng, bởi họ coi đó là thiên tai và cuộc sống người dân cần được bảo đảm. Nước này cũng giảm giá cho hộ thu nhập thấp, cho cơ sở phúc lợi, gia đình có con nhỏ...

Đại biểu Lê Thu Hà kết luận, chúng ta “copy” cách tính bậc thang nhưng chính sách đi kèm cho người dân lại chưa thể hiện được. Do đó, đại biểu này đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như kinh doanh điện.

Ý kiến này cũng được đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đề cập khi thảo luận tại tổ và cho rằng, kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri yên tâm.

Khi giải thích thêm về thời điểm tăng giá vào tháng 3 là mùa hè khiến hóa đơn điện nhiều gia đình tăng đột biến, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời tiết năm nay trái mùa, thời điểm 20/3 không phải mùa hè nên Chính phủ chọn tăng giá vào tháng 3 để tránh lạm phát kỳ vọng do tác động tâm lý. Tuy nhiên, Chính phủ không dự báo được việc tháng 4 nóng như đổ lửa… Do đó, “phải thông cảm cho Chính phủ” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Kiểm toán Nhà nước sắp tới kiểm toán lại toàn bộ báo cáo tài chính EVN và vấn đề điều hành giá điện năm 2019.

"Chỗ nào sai thì sửa, xin lỗi, còn cái nào đúng thì ghi nhận. Kết quả sau đó sẽ công khai cho Quốc hội, người dân biết", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định rõ.

Tin cùng chuyên mục