Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính nhận định, khi tổ chức mua sắm tập trung có thể tiết kiệm khoảng 15% tổng giá trị mua sắm. Ảnh: Tiên Giang |
Các địa phương đang dần xác định đơn vị đầu mối chuyên nghiệp để tiến hành MSTT theo danh mục MSTT đã được ban hành.
Tiến độ triển khai tích cực
Theo số liệu tổng hợp của Bộ Tài chính, chi mua sắm tài sản nhà nước hàng năm của Việt Nam chiếm khoảng 20% chi ngân sách, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng/năm. Chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm MSTT là gần 500 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, hiệu quả của việc triển khai MSTT không những đã thể hiện qua số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn, mà còn được thể hiện ở chất lượng tài sản tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) nhận định, số tiền tiết kiệm được có thể chiếm đến khoảng 15% tổng giá trị mua sắm khi tổ chức MSTT. Do đó, nếu triển khai MSTT toàn bộ các hàng hóa, dịch vụ, dự kiến sẽ tiết kiệm chi ngân sách là 30.000 tỷ đồng/năm. Tiết kiệm từ MSTT là rất lớn, đặc biệt là tiết kiệm từ thời gian cho đến chi phí trong đấu thầu.
Tại TP.HCM, việc triển khai MSTT bắt đầu từ ngành y tế. Ngày 24/01/2013, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế theo phương thức tập trung, trực thuộc Sở Y tế (gọi tắt là Trung tâm Mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP.HCM). Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, tỷ lệ chênh lệch giá trúng thầu so với kế hoạch của các mặt hàng trúng thầu đạt tương đương từ gần 15% - 26% thông qua đấu thầu, MSTT. Như vậy, chỉ tính riêng trong lĩnh vực thuốc, tỷ lệ tiết kiệm thông qua MSTT đã vượt xa ước tính của ngành tài chính.
Trong năm 2016, UBND TP.HCM cũng đã ban hành Quyết định số 2626/2016/QĐ-UBND ban hành danh mục MSTT trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Danh mục tài sản MSTT của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP.HCM gồm 03 loại: Máy vi tính để bàn; Máy photocopy; Máy điều hòa không khí. Mới đây nhất, UBND TP.HCM đã giao cho Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM trực thuộc Sở Tư pháp trở thành đơn vị MSTT để thực hiện mua sắm đối với tài sản thuộc danh mục MSTT. Như vậy, sau khi ban hành danh mục MSTT, đây là bước cụ thể hóa rõ nhất của TP.HCM với nỗ lực triển khai nhanh quá trình MSTT.
Đầu mối mua sắm tập trung chuyên nghiệp
Trong khi đó, TP.HCM đã giao Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản có nhiệm vụ tập hợp, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc danh mục MSTT theo quy định của pháp luật về đấu thầu; ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn để mua tài sản trong danh mục được duyệt. Theo Sở Tư pháp TP.HCM, Trung tâm này là đơn vị có điều kiện để tiếp nhận nhiệm vụ là đơn vị MSTT theo quy định. Còn đại diện của Trung tâm cho rằng, khung hướng dẫn đầy đủ và kịp thời của Luật Đấu thầu sẽ tạo thuận lợi cho đơn vị triển khai công tác MSTT.