Cổ phiếu điện mặt trời: Sóng ngắn, rủi ro dài?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số cổ phiếu liên quan đến các dự án điện mặt trời trong những phiên giao dịch vừa qua đã tạo ấn tượng mạnh trên thị trường chứng khoán.
Nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực năng lượng mặt trời có nguồn thu từ điện khá nhỏ so với nguồn thu các ngành nghề kinh doanh truyền thống khác. Ảnh: Trung Thành
Nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực năng lượng mặt trời có nguồn thu từ điện khá nhỏ so với nguồn thu các ngành nghề kinh doanh truyền thống khác. Ảnh: Trung Thành

Điển hình là cổ phiếu ASM của Công ty CP Tập đoàn Sao Mai kết thúc phiên giao dịch ngày 29/9 ở mức 8.190 đồng/cổ phiếu, tương đương tăng 33% so với hồi đầu tháng. Đặc biệt, trong 2 phiên ngày 17/9 và 22/9, lượng giao dịch khớp lệnh tăng đột biến, mỗi phiên trao tay hơn 11,2 triệu cổ phiếu.

Diễn biến tích cực của mã chứng khoán này được cho là do hiệu ứng từ việc khởi công giai đoạn 2 Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Giai đoạn 2 có công suất 106 MW, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, nếu hoàn thiện trước thời hạn 31/12/2020 sẽ được hưởng mức giá bán ưu đãi khi phát điện thương mại.

Hay như cổ phiếu BCG của Công ty CP Bamboo Capital đã tăng 40% trong vòng 3 tháng qua. Cổ phiếu PV2 (CTCP Đầu tư PV2) vốn thường xuyên trong tình cảnh không ai giao dịch cũng đột ngột tăng trần liên tiếp trong vòng 2 phiên 28 -29/9, đưa cổ phiếu này tăng 16% trong 2 phiên lên 2.800 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, trên thực tế chỉ một vài cổ phiếu liên quan đến điện mặt trời có diễn biến tích cực trên sàn và không phải cổ phiếu nào cũng là “trái ngọt”. Có phải là cổ phiếu vàng hay không, cần soi xét cụ thể vào “sức khỏe” tài chính đường dài của doanh nghiệp hơn là việc dựa vào tin đồn về “sóng cổ phiếu điện mặt trời”.

Từ năm 2019, Tập đoàn Sao Mai đã xác định điện mặt trời là lĩnh vực hiệu quả nhất giúp cho sự phát triển của Tập đoàn trong khi các ngành truyền thống như bất động sản, thủy sản, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề.

Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn Sao Mai cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu từ điện năng lượng mặt trời đạt 278,7 tỷ đồng, chiếm 4,5% trong tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Tập đoàn. Biên lãi gộp của mảng này lên đến 77%, cao nhất trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, cho thấy sức hút của lĩnh vực này.

Nhưng liên quan đến bài toán vốn, nợ vay là một yếu tố quan trọng. Bởi chính sách khuyến khích đầu tư, các dự án điện mặt trời được nhiều ngân hàng phóng khoáng mở hầu bao, tỷ lệ huy động vốn tín dụng khá cao, có thể lên đến 70 - 80% tổng vốn đầu tư mỗi dự án. Lợi nhuận thu về trên cơ sở giá thành liệu có thể bù đắp cho khoản nợ doanh nghiệp đã vay vẫn là một câu chuyện dài hơi.

Ở Tập đoàn Sao Mai, nợ phải trả tính đến 30/6/2020 chiếm 9.552 tỷ đồng, tương đương 59% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay tài chính là 7.714 tỷ đồng, tăng 7% so với hồi đầu năm. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng theo đó ngày càng tăng. Tính hết 6 tháng, chi phí lãi vay là 252,8 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm cùng với các loại chi phí đều tăng đã khiến Tập đoàn Sao Mai ghi nhận lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 311,9 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với 6 tháng đầu năm 2019.

Thực tế, sự biến động của một vài cổ phiếu liên quan đến các dự án được triển khai không đại diện cho mặt bằng chung của các cổ phiếu doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời.

Trong nửa đầu năm, Tập đoàn Sao Mai cũng ghi nhận lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 243,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 184,4 tỷ đồng.

Còn tại Bamboo Capital - một doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo hồi tháng 7 - mới đây cho biết đã nhận tài trợ 11.000 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để phát triển lĩnh vực này. Theo đó, 8.000 tỷ đồng sẽ được dùng cho các dự án điện gió với tổng công suất 650MW tại tỉnh Cà Mau, Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh; 2.000 tỷ đồng để thực hiện Nhà máy Điện mặt trời 330MW tại Bình Định, 1.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án điện mặt trời áp mái.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, Bamboo Capital cho biết điểm rơi doanh thu của mảng điện mặt trời là năm 2021 và thu về trong 20 - 25 năm. Trong khi đó, xét về năm 2020, lợi nhuận của 6 tháng đầu năm sụt giảm mạnh hơn 64%, chỉ đạt 27 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này cũng âm tới 1.548 tỷ đồng trong nửa đầu năm.

Khoản chi phí lớn nhất của Bamboo Capital trong thời gian qua là chi phí lãi vay, 6 tháng chiếm 117,2 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 6, nợ phải trả ghi nhận trên bảng cân đối kế toán đã là 11.307 tỷ đồng, gấp 2 lần so với hồi đầu năm.

Dù có tham gia vào lĩnh vực năng lượng mặt trời nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp liên quan phần lớn vẫn “chân trong chân ngoài”, nguồn thu từ điện còn khá nhỏ khi đặt bên cạnh các ngành nghề kinh doanh truyền thống khác. Doanh nghiệp hiếm hoi thuần về năng lượng sạch trên sàn không có nhiều, mới đây nhất mới có sự góp mặt thêm của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã chứng khoán TTA).

Bên cạnh 3 nhà máy thủy điện, hiện Trường Thành đang sở hữu 2 nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận gồm Nhà máy Điện mặt trời hồ Bầu Ngứ và Nhà máy Điện mặt trời hồ Nút Một 1. Từ năm 2019, Dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Bầu Ngứ đã đi vào hoạt động, đóng góp lớn vào doanh thu của Trường Thành. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận sau thuế thu về đạt 42,1 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, nếu nói có sóng cổ phiếu điện mặt trời, vì sao cổ phiếu TTA vừa niêm yết ngày 18/9 với giá tham chiếu 18.000 đồng/cổ phiếu lại đảo chiều nhanh đến vậy? Sau 3 phiên đầu tiên tăng mạnh bao gồm 2 phiên tăng trần, TTA đảo ngược với 3 phiên giảm kịch sàn. Vậy nên, dù có lúc đã tăng đến 23.700 đồng/cổ phiếu, TTA vẫn chốt phiên giao dịch ngày 29/9 với mức 19.200 đồng/cổ phần.

Thực tế, sự biến động của một vài cổ phiếu liên quan đến các dự án được triển khai không đại diện cho mặt bằng chung của các cổ phiếu doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời.

Nhà đầu tư cần đặc biệt chú ý tới các yếu tố ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh như cân đối tài chính, điều kiện tự nhiên, việc quá tải hệ thống truyền tải điện hay chính sách cho các dự án không kịp vận hành vào cuối năm nay cũng là câu chuyện cần được “cân đo đong đếm” cẩn trọng trước khi quyết định “xuống tiền”.

Tin cùng chuyên mục