“Cởi trói” đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với mục tiêu “cởi trói” tối đa, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi (ĐGNK), những chính sách, ưu đãi hấp dẫn như miễn tiền sử dụng khu vực biển, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất... hứa hẹn sẽ thu hút nguồn vốn đầu tư lớn vào lĩnh vực năng lượng sạch này.
Theo Dự thảo Nghị định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, điện lực. Ảnh: Nguyễn Cường
Theo Dự thảo Nghị định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh điện gió ngoài khơi bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, điện lực. Ảnh: Nguyễn Cường

Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm tra Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới (Dự thảo Nghị định) nhằm kịp thời đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 1/2/2025.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, ĐGNK là loại hình nguồn điện sạch được khuyến khích phát triển, với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá. Theo khoản 1 Điều 22 Dự thảo Nghị định, dự án ĐGNK được hưởng cơ chế, chính sách quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Điện lực là dự án được quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư trước ngày 1/1/2031; được đầu tư theo khoản 6 Điều 20 Luật Điện lực.

Dự thảo Nghị định đề xuất, các dự án này được hưởng ưu đãi miễn tiền sử dụng khu vực biển khi xây dựng và giảm 50% khoản này trong 12 năm kể từ khi đưa vào vận hành; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng…

Ngoài các cơ chế ưu đãi trên, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được miễn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư; được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp tín dụng vượt giới hạn đối với một khách hàng và người có liên quan cho dự án ĐGNK theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện, tham gia đầu tư, tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án ĐGNK với việc bảo đảm điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, được lựa chọn hình thức đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện: Đã triển khai ít nhất 1 dự án ĐGNK có quy mô tương đương tại Việt Nam hoặc trên thế giới. Có năng lực tài chính, phương án huy động vốn hoặc cam kết cho vay, có nhân lực, chuyên môn, kinh nghiệm để triển khai dự án; có giá trị tổng tài sản ròng trong 3 năm gần nhất đã được kiểm toán lớn hơn tổng mức đầu tư dự kiến của dự án...

Theo Dự thảo Nghị định, trừ các dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh ĐGNK bán điện lên hệ thống điện quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, điện lực. Ngoài ra, mức trần giá điện trong hồ sơ mời thầu không cao hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành; giá điện trúng thầu là giá điện tối đa để bên mua điện đàm phán với nhà đầu tư trúng thầu.

“Nếu đề xuất này được thông qua, cơ chế, chính sách phát triển dự án ĐGNK sẽ rất mở, “cởi trói” tối đa. Qua đó, các dự án đầu tư kinh doanh sẽ được triển khai nhanh và hiệu quả nhất. Thậm chí, nếu làm tốt sẽ mở ra được cả một ngành công nghiệp dịch vụ về ĐGNK”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long kỳ vọng.

Đánh giá về đề xuất, nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, chính sách ưu đãi cho các dự án ĐGNK là một bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đây là quy định cần thiết để khuyến khích phát triển nguồn điện năng này. Điều quan trọng là những chính sách phải thực sự thiết thực, rõ ràng để nhà đầu tư yên tâm đầu tư, bởi dự án ĐGNK thường là những dự án có quy mô vốn đầu tư rất lớn và rủi ro cũng lớn.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã bày tỏ mong muốn được tham gia phát triển ĐGNK ở Việt Nam. Số liệu tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vừa qua cho thấy, đến tháng 8/2022, Bộ đã nhận được 55 đề xuất khảo sát ĐGNK, trong đó có 6 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài, 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn. WB đánh giá, tiềm năng ĐGNK tại Việt Nam đạt khoảng gần 600 GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào năm 2035.

Tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam đặt mục tiêu có 6.000 MW ĐGNK vào năm 2030; định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.000 MW ĐGNK. Tuy nhiên, đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao nhà đầu tư thực hiện.

Tin cùng chuyên mục