Ảnh Internet |
Tuy nhiên, theo một số đấu giá viên, các tiêu chí về lựa chọn tổ chức bán ĐGTS theo quy định tại Điều 56 của Luật ĐGTS cần cụ thể hóa hơn nữa để việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS được thực sự minh bạch.
Tiêu chí lựa chọn tổ chức bán ĐGTS chưa rõ ràng
Theo quy định của Luật ĐGTS, kể từ ngày 1/7/2017, việc ĐGTS đối với các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá sẽ phải thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Chương III và Chương IV của Luật. Do đó, sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc ĐGTS, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS.
Các tiêu chí cụ thể lựa chọn tổ chức bán ĐGTS quy định tại Khoản 4 Điều 56 của Luật bao gồm: cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức bán ĐGTS; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp; có tên trong danh sách các tổ chức bán ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố; các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.
Mới đây, UBND TP. Châu Đốc (An Giang) có thông báo mời các tổ chức bán ĐGTS đăng ký thực hiện đấu giá quyền sử dụng khu đất Bệnh viện Đa khoa khu vực Tỉnh (điểm cũ). Với khu đất đấu giá có tổng diện tích 5.731m2 gồm 60 lô, nền, tiêu chí lựa chọn của UBND TP. Châu Đốc đưa ra là theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về ĐGTS và quy định của pháp luật khác có liên quan. Ngoài ra, năng lực, sự cạnh tranh về chi phí dịch vụ và các yếu tố khác có liên quan sẽ được thực hiện theo Khoản 4, Điều 56 Luật ĐGTS.
Một đơn vị khác là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 2 mỏ quặng sắt tại Bắc Kạn. Tổng diện tích khai thác các mỏ khoáng sản nêu trên là hơn 125ha. Các tiêu chí lựa chọn được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đưa ra chỉ là những quy định, tiêu chí được nêu cụ thể tại Khoản 4 Điều 56 của Luật ĐGTS.
Chú trọng hơn trong việc xây dựng tiêu chí, ngày 4/8/2017, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam đã có thông báo về việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS để thực hiện bán ĐGTS bảo đảm của Công ty TNHH Flexcom Việt Nam với tổng giá trị tài sản được định giá khởi điểm lên tới 128,92 tỷ đồng. Là tài sản lớn nên có thể Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam đã có những tiêu chí lựa chọn tổ chức bán ĐGTS có phần chi tiết hơn. Cụ thể, phần năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức bán ĐGTS thì ngân hàng này quy định phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức đấu giá; có tối thiểu 3 đấu giá viên đang hoạt động thường xuyên tại công ty; hồ sơ pháp lý và hồ sơ năng lực của tổ chức bán ĐGTS quy định cụ thể các giấy tờ như bản sao chứng thực đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập, có ngành nghề kinh doanh phù hợp theo quy định của pháp luật.
Không cụ thể sẽ khó minh bạch
Theo quan điểm của một đấu giá viên, các tiêu chí lựa chọn tổ chức bán ĐGTS được một số đơn vị đưa ra để lựa chọn tổ chức bán ĐGTS còn quá sơ sài. Chưa kể đến, một số nội dung tiêu chí được đưa ra trong Luật còn chưa có cơ sở để dẫn chiếu (ví dụ như: “có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố” – danh sách này hiện vẫn chưa được Bộ Tư pháp ban hành) sẽ gây khó cho việc đánh giá tổ chức bán ĐGTS nào là đáp ứng yêu cầu, tiêu chí để được lựa chọn. Việc không rõ ràng trong tiêu chí lựa chọn sẽ dễ dẫn đến khiếu kiện, cạnh tranh không lành mạnh trong quá trình thực hiện quy định này của pháp luật về ĐGTS.
Ông Trần Mai Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Luật ĐGTS, ngoài các tiêu chí chung về lựa chọn tổ chức bán ĐGTS, Luật còn quy định về các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định. Do đó, để quá trình lựa chọn tổ chức bán ĐGTS thực hiện bán ĐGTS của người có tài sản đấu giá được công khai, minh bạch, thì người có tài sản đấu giá cần quy định cụ thể về các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá. Ông Long ví dụ, cần quy định rõ tổ chức bán ĐGTS có bao nhiêu năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ĐGTS; số lượng hợp đồng bán đấu giá loại tài sản tương tự đã từng thực hiện, giá bán chênh lệch cao nhất so với giá khởi điểm; số lượng đấu giá viên có kinh nghiệm…
Nhưng quan trọng hơn, theo ông Long, bên cạnh việc quy định các tiêu chí thì người có tài sản đấu giá phải công bố tiêu chí để đánh giá tổ chức bán ĐGTS là đạt hay không đạt theo các tiêu chí lựa chọn đã được đưa ra ban đầu. “Các tiêu chí đánh giá này cũng cần được công khai ngay từ khi thông báo lựa chọn tổ chức bán ĐGTS để việc lựa chọn các tổ chức được công khai, minh bạch” – ông Long bày tỏ quan điểm.
Cũng liên quan đến vấn đề này, một đấu giá viên kỳ cựu khác đặt vấn đề về việc tiêu chí đánh giá đối với tổ chức bán ĐGTS của người có tài sản đấu giá phải được thực hiện cụ thể, rõ ràng. Trong đó, phương án đấu giá là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá. Theo kinh nghiệm của đấu giá viên này, mục đích quan trọng nhất của ĐGTS là tài sản được bán chênh lệch so với giá khởi điểm càng cao càng tốt. Do đó, khi tổ chức bán ĐGTS nào xây dựng được phương án bán đấu giá tốt thì giá trị của tài sản sẽ có khả năng bán được giá cao.