Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Đây là một trong những gói thầu có thể góp phần cải thiện tình hình kinh doanh, nhất là trang trải các khoản nợ.
Thế mạnh các công trình đường sắt
Gói thầu trên thuộc Dự án Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do Ban Quản lý dự án 85 mời thầu. Đơn vị được lựa chọn là Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty CP Đường sắt Quảng Nam, Đà Nẵng - Công ty CP Đường sắt Thuận Hải - Công ty CP Đường sắt Phú Khánh với giá trúng thầu là 196,807 tỷ đồng (giá gói thầu là 196,923 tỷ đồng).
Hai nhà thầu khác tham dự gói thầu này là Công ty CP Tổng công ty Công trình đường sắt bị loại ở bước đánh giá về tài chính và Liên danh Công ty CP Đường sắt Quảng Bình - Công ty CP Đường sắt Bình Trị Thiên bị loại ở khâu đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.
Ngoài gói thầu trên, từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 trúng khoảng 17 gói thầu trong cả vai trò nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh. Trong đó, các gói thầu quy mô lớn nhất đều liên quan đến công trình ngành đường sắt.
Đơn cử, đầu tháng 6/2020, Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 - Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa được lựa chọn thực hiện Gói thầu XL-CY-06 Thi công 15 cầu thuộc địa phận từ Quảng Bình (cầu Km493+217) đến Quảng Trị (cầu Km641+700) thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Giá trúng thầu là 142,8 tỷ đồng, thời gian thực hiện 14 tháng.
Hay cuối năm 2017, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 liên danh cùng 2 nhà thầu khác trúng Gói thầu số 356 Cải tạo, nâng cấp 7 cầu (Bầu Khe Km810+112, Cò Đỗ Km823+678, So Đũa Km1215+876, Km1250+937, Km1256+073, Km1317+936, Km1531+123), thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM. Giá trúng thầu là 179,5 tỷ đồng, thấp hơn 9,39% so với giá gói thầu.
Hiệu quả kinh doanh ra sao?
Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 là doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa vào năm 2004 với vốn điều lệ 13,4 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp. Hiện Công ty đã tăng vốn điều lệ lên 80 tỷ đồng, trong đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đại diện vốn nhà nước) nắm giữ 25% vốn điều lệ.
Dù vốn điều lệ tăng nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh, doanh thu và biên lợi nhuận của Công ty có xu hướng giảm trong các năm gần đây.
Nếu như giai đoạn 2009 - 2016, lợi nhuận ròng luôn được giữ ổn định trên 10 tỷ đồng thì năm 2017 chỉ còn 3,5 tỷ đồng (giảm 68% so với năm 2016). Doanh thu thuần năm 2017 cũng giảm 60%, ở mức 175,4 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận đạt 7,18%.
Năm 2018, hoạt động kinh doanh của Công ty có cải thiện hơn so với năm 2017 với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 288,6 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng, nhưng lại suy giảm vào năm 2019. Cụ thể, Công ty đạt 230,8 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 20% so với năm 2018) và 4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (giảm 33%).
Tương tự các doanh nghiệp cùng ngành khác, do sử dụng đòn bẩy tài chính lớn khiến chi phí lãi vay luôn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của Công ty. Tính đến cuối năm 2019, nợ phải trả của Công ty là 354,6 tỷ đồng (trong đó, tổng các khoản vay và nợ thuê tài chính là 153,4 tỷ đồng), gấp 2,86 lần quy mô vốn chủ sở hữu.