Duy trì mục tiêu tăng doanh thu dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện, tiếp tục trả cổ tức bằng tiền ở mức cao
Tính chung cả năm 2023, Vinamilk thu về 60.368 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 0,7% so với cùng kỳ và đánh dấu năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp có mốc doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 9.019 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ và hoàn thành 105% kế hoạch năm.
Với những kết quả tích cực trong năm 2023, Vinamilk tiếp tục đặt mục tiêu cao hơn khi trình ĐHĐCĐ năm 2024 kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đều tăng. Cụ thể, tổng doanh thu dự kiến là 63.163 tỷ đồng, tăng 4,4% so với thực hiện năm 2023. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 11.516 tỷ đồng, tăng 5%.
ĐHĐCĐ Vinamilk ngày 25/4 đã nhận được sự quan tâm của hơn 1.200 cổ đông tham gia trực tuyến |
Tuy nhiên, Vinamilk cũng là doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) – đang chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn, lạm phát, thu nhập bình quân đầu người giảm tạo ra nhiều áp lực cho cả người tiêu dùng và các nhà bán lẻ.
Trong Báo cáo thường niên 2023 vừa công bố đầu tháng 4/2024, Tổng giám đốc Mai Kiều Liên nhận định: “Bước sang năm 2024, với kỳ vọng tình hình vĩ mô sẽ cải thiện, ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục phục hồi thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận”.
HĐQT Vinamilk cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch cổ tức cho năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 38,5%. Công ty đã chi 6.061 tỷ đồng tạm ứng 3 đợt cổ tức cho cổ đông với tổng tỷ lệ 29%.
Như vậy, Vinamilk sẽ còn một đợt cổ tức với tỷ lệ 9,5% (01 cổ phiếu nhận 950 đồng). Với 2,09 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến sẽ chi thêm 1.985 tỷ đồng để trả cổ tức đợt cuối năm 2023. Ngày chốt danh sách đăng ký cuối cùng và ngày thanh toán sẽ giao HĐQT quyết định nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày 25/4.
Năm 2024, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 63,163 tỷ đồng |
Về kế hoạch cổ tức năm 2024, Vinamilk dự kiến sẽ tiếp tục duy trì tỷ lệ 38,5% (01 cổ phiếu nhận 3.850 đồng) tương đương với năm 2023. Số tiền công ty dự chi để trả cổ tức cho cổ đông lên đến hơn 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 85% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.
Động lực trung và dài hạn cho các hoạt động kinh doanh
Trải qua năm 2023 đầy thách thức với ngành sữa do các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến sức mua, các tín hiệu tích cực dần xuất hiện trong Quý I/2024, nhưng vẫn cần sự nỗ lực của doanh nghiệp để vượt qua các khó khăn ngắn hạn.
Theo chia sẻ của bà Mai Kiều Liên tại ĐHĐCĐ, với các nỗ lực thúc đẩy kinh doanh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu thì doanh thu và lợi nhuận Quý I/2024 của Vinamilk tăng trưởng dương, trong đó, lợi nhuận tăng 2 chữ số.
Bà Mai Kiều Liên, thành viên Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Vinamilk |
Ngoài ra, chiến lược thay đổi nhận diện thương hiệu cùng một loạt sự đổi mới trong kinh doanh, marketing và sản phẩm được cho sẽ nâng cao vị thế Vinamilk trong ngành sữa. Đây cũng là chủ đề được nhiều cổ đông quan tâm trong đại hội năm nay.
Kết quả bước đầu cho thấy sự khả quan khi Vinamilk tăng gần 3% thị phần sữa nước sau khi giới thiệu bao bì mới cho ngành hàng này. Bên cạnh đó, dấu ấn thương hiệu của Vinamilk vẫn tiếp tục đậm nét khi nâng giá trị thương hiệu lên 3 tỷ USD theo Brand Finance và lọt Top 5 thương hiệu sữa có tính bền vững nhất toàn cầu.
Chia sẻ với báo giới vào đầu năm 2024, ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing của Vinamilk cho biết, tiếp nối chuỗi hoạt động sôi nổi năm 2023, Vinamilk sẽ còn trình làng các sản phẩm khác với bao bì mới, công nghệ hiện đại và nhiều điểm khác biệt hứa hẹn mang đến điều bất ngờ cho khách hàng.
"Chu du miền vị giác" của sản phẩm Vinamilk Green Farm tạo được ấn tượng mạnh với công chúng |
Tính đến nay, Vinamilk có hơn 60 thị trường xuất khẩu, doanh thu thuần từ hoạt động xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4,4% so với năm trước, khai phá thêm 2 thị trường mới trong khi vẫn duy trì kết quả tốt đối với các thị trường chủ lực. Chứng khoán KB Securities (KBSV) dự báo năm 2024, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu lớn của Vinamilk sẽ tăng trở lại. Quý I/2024, tín hiệu khả quan vẫn duy trì, công ty hoàn tất xuất các đơn hàng lớn như 300 container cho thị trường Trung Đông.
Sữa chua hương vị sầu riêng của Vinamilk bắt đầu xuất khẩu và được bán tại thị trường Trung Quốc từ cuối năm 2023 |
Đối với dự án chăn nuôi bò thịt hợp tác cùng “ông lớn” Nhật Bản – Sojitz, tổ hợp chăn nuôi– chế biến thịt bò Vinabeef công suất 10.000 tấn thịt/năm, khởi công Quý I/2023 và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Đến nay, khu vực nhà xưởng chế biến thịt đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng xây dựng cơ bản. Hiện tại sản phẩm của dự án đang được bán thử nghiệm ở một số siêu thị lớn như Aeon, Mega Market, Kingfood, Coop mart… Dự án này được kỳ vọng sẽ mang lại động lực mới cho Vinamilk trong tương lai gần.
Bên cạnh đó, năm nay chủ đề ESG cũng được cổ đông Vinamilk quan tâm. Việc Vinamilk theo đuổi chiến lược phát triển bền vững một cách bài bản, nghiêm túc không chỉ củng cố vị thế doanh nghiệp và niềm tin đối với các nhà đầu tư, đặc biệt trước xu thế ESG ngày càng gia tăng. Năm 2023, Vinamilk được đánh giá cao khi công bố lộ trình tiến đến Net Zero và đồng thời có 2 đơn vị (nhà máy và trang trại) đầu tiên của ngành sữa đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014. Ngay trước thềm ĐHĐCĐ năm 2024, Nhà máy Nước giải khát Việt Nam chính thức trở thành đơn vị thứ 3 của Vinamilk đạt được chứng nhận này.
Vinamilk hiện có 3 đơn vị đạt chứng nhận trung hòa Carbon PAS 2060:2014 |
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNM của Vinamilk đã có 7 năm liên tiếp góp mặt trong Top 20 cổ phiếu được đánh giá có chỉ số phát triển bền vững tốt nhất (VNSI). Tổng điểm ESG (Môi trường – Xã hội - Quản trị doanh nghiệp) đạt mức cao 91%.
Điểm ESG của Vinamilk luôn đạt đánh giá ở mức cao |