Chính sách “tiếp lửa” cho doanh nghiệp bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển KTTN với nhiều nội dung đột phá đã và đang tiếp thêm niềm tin, khí thế cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Một trong những minh chứng rõ nét là “làn sóng” khởi nghiệp chuyển biến mạnh mẽ. Tháng 6/2025, Việt Nam có hơn 24.000 DN đăng ký thành lập mới, kéo số DN thành lập nửa đầu năm lên hơn 91.000 DN…
Trong tháng 6/2025, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong một tháng đạt mức kỷ lục hơn 24.400 doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang
Trong tháng 6/2025, lần đầu tiên số doanh nghiệp thành lập mới trong một tháng đạt mức kỷ lục hơn 24.400 doanh nghiệp. Ảnh: Tiên Giang

Ghi nhận nhiều điểm sáng

Điểm sáng nổi bật trong bức tranh hoạt động của DN, hộ kinh doanh, kinh tế tập thể tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2025 được bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể thuộc Bộ Tài chính cho biết là “làn sóng” khởi nghiệp đang hết sức mạnh mẽ.

Theo bà Hương, nửa đầu năm 2025, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn, thách thức nối tiếp nhau, nhất là cạnh tranh thương mại, an ninh địa chính trị… khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN tại nhiều quốc gia, trong đó có DN Việt Nam gặp bất lợi. Ở trong nước, các địa phương đang rất tích cực triển khai chính quyền hai cấp… với mục tiêu tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. “Ở góc độ cơ quan tham mưu phát triển DN, chúng tôi cố gắng, nỗ lực để đảm bảo các DN thuận lợi sản xuất kinh doanh cũng như gia nhập thị trường”, bà Hương chia sẻ.

Với những nỗ lực đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong nước, trong đó có hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường, đạt được kết quả tích cực, đặc biệt sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW và Nghị quyết 198/2025/QH15 đi vào cuộc sống.

Bà Hương cho biết, trong tháng 6/2025, lần đầu tiên số DN thành lập mới trong 1 tháng đạt mức kỷ lục hơn 24.400 DN (thường chỉ quanh mức 15.000 DN/tháng, chưa bao giờ đạt 16.000 DN/tháng).

Tính chung, 6 tháng đầu năm, cả nước có hơn 91.000 DN đăng ký thành lập mới. Số vốn đăng ký cũng như số lao động của các DN mới đều tăng.

Số DN quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 61.521 DN, tăng 57,22% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng tháng 6/2025 ghi nhận 14.390 DN quay trở lại hoạt động trên cả nước, tăng 91,05% so với cùng kỳ năm 2024.

Về tình hình đăng ký hộ kinh doanh, số liệu của Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Trong tháng 6/2025, có 124.343 hộ kinh doanh được thành lập mới, tăng 118,4% so với cùng kỳ 2024 và tăng 60,35% so với tháng 5/2025 với số vốn đăng ký đạt 17.089 tỷ đồng, số lao động đăng ký đạt 189.340 lao động. Đây là mốc tăng trưởng kỷ lục từ trước đến nay.

Cũng trong tháng 6, có 274 hợp tác xã được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 648 tỷ đồng.

“Kết quả trên cho thấy, những chính sách mới của Đảng và Nhà nước bắt đầu đi vào cuộc sống đã tiếp thêm niềm tin, khuyến khích cộng đồng tư nhân tham gia đóng góp vào quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững”, bà Hương nhìn nhận.

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam đánh giá, đây là kết quả của hàng loạt giải pháp mà Đảng và Nhà nước thực hiện vừa qua, trong đó có “bộ tứ chiến lược”. Đặc biệt, Nghị quyết số 68 đã đặt dấu mốc lịch sử mới cho khu vực KTTN với cơ chế thông thoáng, khơi dậy niềm tin, thúc đẩy người dân và DN gia tăng sản xuất kinh doanh.

Kỳ vọng bước tiến thực chất

Bên cạnh những điểm sáng, Cục Phát triển DN tư nhân và kinh tế tập thể chỉ ra, 6 tháng đầu năm vẫn có 127.181 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 15,51% so với cùng kỳ năm 2024. Một số DN phản ánh hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp, chậm được sửa đổi; một số sản phẩm nông sản chậm thích ứng với các quy định về xuất xứ, kiểm dịch, an toàn thực phẩm… của thị trường xuất khẩu; kinh tế thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường… Điều này cho thấy, hoạt động của DN còn không ít thách thức.

Song từ những khởi sắc trong hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN nửa đầu năm 2025, đặc biệt là tháng 6, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, hoạt động này trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục tích cực. Lý do là, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thông qua 34 luật, 13 nghị quyết, trong đó có nhiều quyết sách mang tính lịch sử như: sửa đổi Hiến pháp, sắp xếp lại đơn vị hành chính; cơ chế, chính sách đặc biệt, đột phá về khoa học công nghệ, KTTN… Từ ngày 1/7/2025, nhiều cơ chế chính sách được thể chế hóa này bắt đầu đi vào cuộc sống. Cùng với đó, chính quyền địa phương 2 cấp đã đi vào hoạt động với việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, góp phần tạo thuận lợi, mở ra không gian phát triển cho DN.

Tại cuộc họp báo sáng 3/7 công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hồ Sỹ Hùng cho biết, Luật đã tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho DN gia nhập thị trường, đáp ứng cam kết quốc tế… nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Về đàm phán thuế đối ứng, ông Thực cho rằng, nếu thuế đối ứng mà Mỹ áp dụng với hàng hóa XK của Việt Nam vào nước này ở mức 20% - thấp hơn so với một số nước đã hoặc chưa đàm phán được thì đây là cơ hội cho DN xuất khẩu thời gian tới.

Với hàng loạt giải pháp, cơ hội trên, có sơ sở hy vọng “làn sóng” gia nhập thị trường của DN nửa cuối năm tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục