Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Hải Thành
Đối với yêu cầu về kỹ thuật, pháp luật về đấu thầu quy định hồ sơ mời thầu (HSMT) không được đưa ra yêu cầu mà chỉ có một sản phẩm cụ thể của một hãng sản xuất cụ thể đáp ứng trong khi trên thị trường có nhiều hãng sản xuất có thể cung cấp hàng hóa thuộc gói thầu. Như vậy, HSMT không được có các yếu tố kỹ thuật mang tính chỉ định cho một sản phẩm cố định thông qua các yêu cầu kỹ thuật riêng có như sở hữu trí tuệ của một hãng, một sản phẩm duy nhất hoặc đưa ra các yêu cầu không quan trọng như cân nặng, kích thước, tính năng phụ hầu như không có tác dụng sử dụng… Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều HSMT đưa yêu cầu kỹ thuật bằng cách sao chép y nguyên catalogue/thông số kỹ thuật của một sản phẩm cụ thể và không quy định rõ nội hàm tương đương, khiến các nhà thầu tham dự bị hạn chế về sản phẩm tham gia chào thầu. Bên cạnh đó, phổ biến tình trạng lạm dụng yêu cầu về chứng nhận tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc các dạng tài liệu tương đương trong đánh giá hàng hóa thông dụng, không đặc thù, có thể phát sinh chi phí mua sắm, gây lãng phí.
Về nguyên tắc, việc xây dựng yêu cầu kỹ thuật trong HSMT dựa trên nhu cầu sử dụng thực tế của bên mời thầu; các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc quốc tế (nếu có); đặc điểm kỹ thuật của sản phẩm/dịch vụ cần mua sắm; quy chuẩn chuyên ngành... Do đó, cần có sự công tâm, khách quan, minh bạch trong khâu khảo sát nhu cầu mua sắm tiền đấu thầu, hướng đến việc đưa ra các yêu cầu kỹ thuật có tối thiểu 3 hãng sản xuất trên thị trường có thể đáp ứng nhằm gia tăng cạnh tranh trong đấu thầu. Ngoài ra, cần chú trọng khâu thẩm định giá nhằm xác định giá trị thực tế của tài sản, hàng hóa cần mua sắm, tránh tình trạng thêm vào các yêu cầu gây phát sinh chi phí, ảnh hưởng đến hiệu quả mua sắm công.