Ước thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 2/2020 đạt 23.700 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tháng trước. Ảnh: Lê Tiên |
Cục Thuế Hà Nội cho biết, trên cơ sở thống kê các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế lớn đã thực hiện kê khai thuế, trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ giảm 6% so với cùng kỳ 2019, số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp giảm 10,5%.
Cục Thuế Hà Nội đã tính đến các kịch bản giảm thu NSNN trong cả năm nay. Cụ thể: nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến hết tháng 3, dự kiến sẽ giảm thu khoảng 4.200 - 5.400 tỷ đồng; nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý II, số thu giảm khoảng 6.600 - 9.400 tỷ đồng; nếu dịch kết thúc trong quý III, dự kiến số thu giảm khoảng 10.800 - 12.700 tỷ đồng; trường hợp dịch kéo dài sang quý IV, dự kiến số thu giảm khoảng 15.000 - 16.600 tỷ đồng. Nếu tính cả tác động giảm thu NSNN do áp dụng các quy định mới về hạn chế tác hại của đồ uống có cồn, với mức giảm thu dự kiến 2.080 tỷ đồng thì tổng thu ngân sách do Cục Thuế Hà Nội thực hiện theo các kịch bản có thể giảm từ 6.280 - 18.680 tỷ đồng.
Tại Khánh Hòa, báo cáo cho thấy tình hình thu NSNN đã xuất hiện những khó khăn do dịch vụ kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn bị ngừng hoạt động. Điển hình là tại thành phố Nha Trang, hoạt động du lịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 2 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt khoảng 630 tỷ đồng, đạt 11% dự toán và bằng 78% so với cùng kỳ năm trước.
Tại TP.HCM, Cục Hải quan Thành phố cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giảm dẫn đến số thu nộp NSNN của Cục 2 tháng đầu năm cũng giảm theo, chỉ đạt 15.630 tỷ đồng, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu cả nước cũng đang giảm mạnh. Tổng trị giá nhập khẩu tháng 2 đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5%. Ước thu ngân sách cả nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 23.700 tỷ đồng, thấp hơn so với tháng 1 (26.019 tỷ đồng).
Tổng cục Hải quan cho biết, nếu 2 tháng đầu năm 2019 bình quân mỗi ngày thu 1.458 tỷ đồng, thì 2 tháng đầu năm nay chỉ thu được khoảng 1.308 tỷ đồng/ngày.
Về thu từ dầu thô, kể từ đầu tháng 3 đến nay tình hình giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Đỉnh điểm là trong tuần qua kể từ 10/3, giá dầu WTI và dầu Brent đã giảm hơn 20%. Bộ Tài chính sẽ có kịch bản cụ thể về tác động giá dầu tới thu NSNN.
Dự báo về thình hình thu ngân sách trong thời gian tới, các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế nhận định, dịch Covid-19 và quy định về hạn chế tác hại của rượu, bia có thể khiến NSNN hụt thu khoảng 30.000 tỷ đồng. Để phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất có thể, Tổng cục Thuế đã thực hiện nhiều giải pháp.
Theo đó, ngành thuế tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc. Từ đó, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.
Bên cạnh đó, ngành thuế tiếp tục hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Đồng thời, tăng cường quản lý, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng... nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, dù chưa có số liệu đầy đủ để đánh giá về mức tác động của dịch Covid-19 đến thu NSNN năm 2020 nhưng có thể thấy rõ là sẽ rất khó khăn.
“Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang vô cùng chật vật nên nguồn thu từ các doanh nghiệp chắc chắn èo uột. Đồng thời, chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (đang được lấy ý kiến) cũng sẽ làm nguồn tiền về ngân sách chậm hơn”, ông Độ nói.
Vị Phó Viện trưởng này cũng cho rằng, việc Chính phủ thực thi các giải pháp tín dụng và tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và các cá nhân, hộ kinh doanh là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu diễn biến dịch bệnh có ảnh hưởng ở mức độ tiêu cực hơn dự đoán thì có thể tăng “liều lượng” của chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sản xuất kinh doanh, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu. Trong khi, không gian cho giải pháp tín dụng đã gần như cạn, có thể nghiên cứu xem xét tính đến thêm giải pháp tài khóa như giảm thuế hoặc tăng đầu tư công.