Tỷ giá đồng nội tệ so với USD năm 2024 (%) - Nguồn: Bloomberg, BIDV Research, Ngân hàng Nhà nước |
Năm 2025, đồng USD chịu ảnh hưởng bởi biến số chính sách thuế quan của Mỹ và xu hướng dòng chảy vốn toàn cầu, nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt các biến động và phối hợp với các cơ quan khác để điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt và hiệu quả.
Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngày 7/1/2025, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2024, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và không đều, lạm phát các nước hạ nhiệt rõ hơn sau thời gian thắt chặt tiền tệ và giá dầu giảm, các ngân hàng trung ương hạ lãi suất, thị trường hàng hóa, tiền tệ biến động mạnh do tính bất định của kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này tác động đến công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng của NHNN.
“Trong năm 2024, tỷ giá USD/VND đã có lúc tăng hơn 7%. Tuy nhiên, với chủ trương điều hành tỷ giá linh hoạt và hiệu quả, tỷ giá USD/VND chỉ còn tăng ở mức 5,03% vào cuối năm 2024. Đây là mức tăng tương đối thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Tú cho biết.
Trong thời gian tới, theo ông Tú, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra. Các mục tiêu cụ thể gồm: điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chia sẻ cụ thể hơn về biến động tỷ giá và công tác điều hành của NHNN, ông Nguyễn Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, 2 quý đầu năm 2024, cung cầu ngoại tệ có căng thẳng nhất định và NHNN phải bán can thiệp thị trường để ổn định tỷ giá. Sau đó, thị trường ngoại hối có giai đoạn ổn định trong quý III/2024 trước khi trở lại xu hướng biến động mạnh trong quý IV/2024 khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ và nêu rõ định hướng điều hành theo hướng có thể tăng thuế quan để hạn chế thâm hụt thương mại với các nước. Ngay sau đó, chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng USD - tăng điểm mạnh. Trong tháng 12/2024, chỉ số này có lúc lên đến 109,6 điểm, tương ứng mức tăng 7,6% so với cuối năm 2023.
Đà tăng mạnh của chỉ số DXY khiến dòng ngoại hối trên thị trường thế giới biến động mạnh. Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư Mỹ, rút vốn bằng đồng USD ra khỏi một số thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, trong năm 2024, có trên 3,5 tỷ USD được bán ròng từ các nhà đầu tư nước ngoài, gây sức ép lớn với thị trường ngoại hối. Bên cạnh đó, tháng 11 cũng là thời điểm phải cân đối nguồn ngoại tệ lớn để Bộ Tài chính trả nợ nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Tổng cả hai nguồn ngoại tệ đột biến này lên đến khoảng 5,1 tỷ USD, gây sức ép trong quý IV/2024. Tuy nhiên, với công tác điều hành chặt chẽ, nhịp nhàng các công cụ để điều hòa bơm hút tiền, phối hợp với Kho bạc Nhà nước và các cơ quan khác để điều phối thị trường hiệu quả, mức giảm giá 5,03% của VND so với USD là khá thấp trong so sánh với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.
“Năm 2025, nếu Mỹ áp dụng chính sách nâng thuế quan mạnh thì sẽ gây áp lực lớn với các dòng ngoại hối toàn cầu, ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt xu hướng điều hành chính sách thuế quan của Mỹ và biến động của các dòng vốn trên thị trường thế giới để tham mưu Chính phủ các giải pháp điều hành tiền tệ, tỷ giá phù hợp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cao và kiểm soát tốt lạm phát, ổn định lãi suất. Đây cũng là nhiệm vụ rất thách thức”, ông Quang nhấn mạnh.