“Làm mới” Luật Quản lý thuế, tăng minh bạch trong kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính từ đầu năm đến nay, đã có hơn 106 nghìn hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, bao gồm cả hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp thuế khoán. Cùng với việc hỗ trợ thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, ngành thuế sẽ triển khai nhiều giải pháp, nhằm minh bạch hóa hoạt động kinh doanh.
Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ góp phần minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Ảnh: Nguyễn Huế
Việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền sẽ góp phần minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại cuộc họp báo Bộ Tài chính chiều ngày 2/7, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết, việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, góp phần minh bạch hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Chủ trương này đã được ngành thuế triển khai từ năm 2022 với các hộ nộp thuế theo phương pháp kê khai trên tinh thần khuyến khích thực hiện. Theo Nghị định số 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ) có hiệu lực từ ngày 1/6/2025, các hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền bao gồm: hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm từ 1 tỷ đồng trở lên; hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai và hộ kinh doanh có sử dụng máy tính tiền có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. “Đây là các hộ kinh doanh có quy mô ổn định, có địa điểm kinh doanh cố định, chứ không phải các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, “buôn gánh bán bưng” hay kinh doanh tự phát”, ông Mai Sơn cho biết.

Để triển khai chính sách mới hiệu quả, thời gian qua, cơ quan thuế chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hộ kinh doanh để triển khai quy định sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Ông Mai Sơn cho biết, kết quả triển khai tương đối tích cực, đạt mục tiêu đề ra khi đa số các hộ kinh doanh đều hưởng ứng việc tuân thủ quy định, chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn mà chưa cần đến việc thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính từ phía cơ quan thuế.

Về việc thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW, Nghị quyết 198/2025/QH15 và Nghị quyết số 138/NQ-CP về chủ trương xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, đại diện Cục Thuế cho biết dự kiến phân loại hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo doanh thu để áp dụng phương pháp quản lý.

Tại hồ sơ lấy ý kiến Luật Quản lý thuế (sửa đổi), việc quản lý thuế với hộ kinh doanh được thực hiện theo căn cứ về doanh thu theo 4 nhóm. Cụ thể: nhóm 1 dự kiến sẽ gồm các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới ngưỡng chịu thuế, tức dưới 200 triệu đồng/năm, áp dụng từ năm 2026; nhóm 2 là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng/năm; nhóm 3 là các hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng có doanh thu 1 - 3 tỷ đồng/năm và lĩnh vực thương mại, dịch vụ có doanh thu 1 - 10 tỷ đồng/năm; nhóm 4 là các hộ kinh doanh có doanh thu trên 10 tỷ đồng/năm.

Theo đó, nhóm 1 và nhóm 2 được khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử sau khi bỏ thuế khoán. Trong đó, nhóm 2 dự kiến có lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ năm 2027 - 2028. Ngoài ra, hai nhóm này dự kiến được đề xuất sẽ chỉ phải sử dụng sổ kế toán rất đơn giản để ghi chép thu chi theo mẫu (phần mềm) của Bộ Tài chính.

Nhóm 3 và nhóm 4 thuộc diện bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền khi bán lẻ hàng hóa dịch vụ. Trong đó, nhóm 3 dự kiến sẽ thực hiện chế độ kế toán đơn giản. Còn nhóm 4 dự kiến sẽ thực hiện các chế độ kế toán như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được quy định.

Cơ quan thuế dự kiến đề xuất tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân lên ít nhất gấp đôi mức 200 triệu đồng/năm; đồng thời sửa đổi tỷ lệ % thuế thu nhập cá nhân cho hộ, cá nhân kinh doanh phân biệt theo quy mô doanh thu; kiến nghị sửa đổi các chính sách pháp luật liên quan nhằm hỗ trợ hộ, cá nhân kinh doanh phát triển.

Ông Mai Sơn cho biết, các nội dung này đang được lấy ý kiến của người nộp thuế, các hiệp hội tư vấn thuế, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Cục Thuế sẽ phối hợp với các đơn vị như Cục Giám sát quản lý chính sách thuế, phí lệ phí; Cục Giám sát kế toán và kiểm toán, Cục Phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể… để báo cáo Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền quy định mức tỷ lệ/thuế suất cũng như phương pháp khai thuế phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân kinh doanh, phù hợp với lộ trình chuyển đổi số nhằm minh bạch công tác quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh bằng cách kết hợp chính sách, công nghệ. Các nội dung này sẽ được thể hiện ở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Bên cạnh đó, Cục Thuế và Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện khái niệm “hộ kinh doanh” để phù hợp với thông lệ quốc tế. Nội dung này sẽ được sửa đổi, bổ sung tại Luật Doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục