![]() |
Việc bổ sung quy định về điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng nhằm hạn chế rủi ro thanh toán trái phiếu. Ảnh: Nhã Chi |
Theo Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7/2025, yêu cầu công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng khi phát hành trái phiếu DN riêng lẻ phải đáp ứng thêm điều kiện: "Có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của tổ chức phát hành theo báo cáo tài chính năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán; trừ tổ chức phát hành là DN nhà nước, DN phát hành trái phiếu để thực hiện dự án bất động sản, tổ chức tín dụng, DN bảo hiểm, DN tái bảo hiểm, DN môi giới bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan".
Việc bổ sung quy định này nhằm tăng năng lực về tài chính đối với DN phát hành, hạn chế những rủi ro thanh toán trái phiếu.
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, quy định mới giới hạn tổng nợ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu đối với các công ty chưa đại chúng phát hành trái phiếu cốt lõi là để đảm bảo an toàn tài chính cho cả DN phát hành và nhà đầu tư. Đây là bước đi hợp lý để ngăn chặn tình trạng DN sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, vốn làm gia tăng đáng kể gánh nặng nợ và rủi ro căng thẳng tài chính, thậm chí là phá sản.
Ông Huân phân tích, đối với một DN phi tài chính, mức đòn bẩy 5 lần đã là rất lớn. Thực tế, các nghiên cứu cho thấy, cấu trúc vốn tối ưu của DN vừa và nhỏ tại Việt Nam có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vào khoảng 3 lần. Do đó, khi một DN có tỷ lệ trên chạm đến ngưỡng 5 lần thì không nên tiếp tục huy động thêm nợ. Thay vào đó, giải pháp đúng đắn là tập trung vào việc tăng vốn chủ sở hữu để củng cố nền tảng tài chính và đảm bảo an toàn, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất tại Việt Nam tương đối cao so với nước ngoài.
"Việc một DN vay nợ gấp 5 lần vốn của mình là mức rất cao. Đúng là có một vài công ty vay rất nhiều nhưng vẫn làm ăn tốt và có doanh thu đều đặn. Tuy nhiên, những trường hợp này rất hiếm, chỉ là số ít và không thể lấy làm tiêu chuẩn chung. Luật pháp khi được ban hành phải áp dụng được cho tất cả mọi người, cho số đông. Vì thế, tôi cho rằng, việc đặt ra giới hạn 5 lần là một quy định hợp lý”, ông Huân nhấn mạnh.
Trong báo cáo vừa phát hành, chuyên gia phân tích của VIS Rating cho rằng, quy định siết tỷ lệ đòn bẩy nói trên giúp khung pháp lý cho các công ty không đại chúng trở nên đồng bộ với các công ty đại chúng theo Luật Chứng khoán 2024 mà vẫn không cản trở hoạt động phát hành trái phiếu của DN. “Dữ liệu của chúng tôi về toàn bộ các công ty không đại chúng ở Việt Nam trong 3 năm gần đây cho thấy, có khoảng 25% các công ty có tỷ lệ này vượt quá 5 lần hoặc là vốn chủ sở hữu âm”, báo cáo của VIS Rating cho biết.
Phân tích của VIS Rating từ dữ liệu của 182 DN chậm thanh toán nợ trái phiếu thời gian qua cho thấy, khoảng 1/4 trong số này có tỷ lệ đòn bẩy vượt quá 5 lần hoặc bị âm vốn chủ sở hữu. Số DN còn lại duy trì mức đòn bẩy trung bình khoảng 2,8 lần, tương đương với các DN trả nợ đúng hạn. Từ phân tích dữ liệu, VIS Rating cho biết, bên cạnh đòn bẩy tài chính cao, một trong những "thủ phạm" dẫn đến các vụ chậm thanh toán nợ trái phiếu DN trong thời gian qua nằm ở dòng tiền yếu và năng lực quản lý tài chính, thanh khoản yếu kém.
Dù vậy, việc siết chặt đòn bẩy nêu trên được xem là một biện pháp phòng ngừa cần thiết để xây dựng "bộ đệm" an toàn cho thị trường trái phiếu, trong khi không cản trở hoạt động phát hành của DN.