Ảnh Internet |
Xét trên các yếu tố nội tại, cũng như bức tranh chung của ngành dược và thị trường chứng khoán, cơ hội kiếm lợi nhuận đối với cổ phiếu DP3 không thực sự hấp dẫn.
DP3 là một trong những doanh nghiệp chuyên về sản xuất thuốc bào chế từ các nguyên liệu tự nhiên, đặc biệt là thuốc Đông dược. DP3 đang sản xuất gần 100 sản phẩm, trong đó có các sản phẩm khá tên tuổi như Cao Sao Vàng, Hoàn bổ thận âm, Sâm nhung bổ thận...
Lợi thế cạnh tranh của DP3 là 90% sản phẩm đều do Công ty tự sản xuất. Kênh phân phối sản phẩm của DP3 chủ yếu thông qua kênh OTC tại 3 chi nhánh và 20 nhà phân phối độc quyền, với hơn 150 quầy thuốc.
Trong cơ cấu sản phẩm của DP3, đáng chú ý là Sâm nhung bổ thận TW3 - sản phẩm thuốc viên chủ lực, đóng góp gần 30% tổng doanh thu. Các sản phẩm thuốc viên khác là tetracylin (11%), clorocid (8%), hoạt huyết dưỡng não (5,32%), trong khi thuốc hoàn chiếm khoảng 10%...
Theo báo cáo của BMI Research, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam đã đạt mức 5,3 tỷ USD năm 2017 và tăng lên 5,9 tỷ USD năm 2018, tương đương tốc độ tăng trưởng ngành dược trên 13,2%. Tuy nhiên, thực tế kết quả kinh doanh 2018 của các doanh nghiệp ngành dược lại không mấy khả quan, Top 10 doanh nghiệp niêm yết đều tăng trưởng âm so với năm 2017.
DP3 thì ngược lại, kết quả kinh doanh năm qua tăng trưởng dương, nhưng chủ yếu do đặt kế hoạch thấp. Cụ thể, năm 2018, DP3 đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 38 tỷ đồng, kết thúc năm đạt hơn 80 tỷ đồng. Việc thường xuyên đặt kế hoạch kinh doanh thấp đầu năm và vượt xa kế hoạch khi hết năm dưới góc nhìn của giới đầu tư không phải là ưu điểm, bởi điều này cho thấy việc thiếu kế hoạch và chưa hoàn toàn minh bạch về các dữ liệu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhìn vào báo cáo tài chính của DP3, nhà đầu tư cũng thắc mắc ở dữ liệu đầu vào và đầu ra. Các số liệu được DP3 công bố cho thấy, biên lợi nhuận gộp ở mức khá cao, duy trì từ 50-60% thời gian gần đây. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí nguyên liệu đầu vào lại thấp, thậm chí có những quý giá vốn giảm mạnh. Đây là một điểm không hợp lý, nhưng trong bản công bố thông tin của DP3 cũng như các tài liệu công bố không nêu chi tiết về nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu để giới phân tích có dữ liệu so sánh với các thị trường nguồn.
Một điểm cần lưu ý khác là danh mục sản phẩm của DP3 phần lớn là thuốc Đông dược (2 năm qua, DP3 lãi cao nhờ sản phẩm Sâm nhung bổ thận). Đây không phải là các loại thuốc đặc trị bệnh thiết yếu, trong khi danh mục sản phẩm khác của DP3 có khá nhiều sản phẩm "na ná" với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, nên lợi thế trong dài hạn là không rõ ràng.
Sự bấp bênh trong kết quả kinh doanh năm 2018 cũng thể hiện rõ khi DP3 lãi lớn trong các quý đầu năm, nhưng đến quý cuối năm - vốn là điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp dược - thì lại lỗ. Năm 2019, DP3 tiếp tục đặt kế hoạch khiêm tốn, với doanh thu 400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng, bằng 55% lợi nhuận thực hiện trong năm 2018.
Trong đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng sắp tới, DP3 hy vọng sẽ huy động đủ vốn cho các dự án đầu tư mới, cũng như bổ sung vốn lưu động cho doanh nghiệp.
Cũng cần lưu ý là vốn đầu tư sẽ được sử dụng để xây nhà xưởng sản xuất viên nang mềm, thuốc nhỏ mắt - nhỏ mũi, thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm trong khu vực nhà xưởng thuộc Nhà máy Nam Sơn tại Hải Phòng. Đây là danh mục hàng hóa đã xuất hiện nhiều trên thị trường và không có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Điểm trừ ở cổ phiếu DP3 còn đến từ tính thanh khoản kém, khi khối lượng giao dịch cổ phiếu bình quân mỗi phiên chỉ đạt vài nghìn đơn vị. Đây cũng là mã cổ phiếu khóa room với các nhà đầu tư nước ngoài nên hy vọng về một khả năng đột biến là không có. Hiện tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại DP3 là 0,996%, trong khi Công ty có ngành nghề kinh doanh liên quan đến phân phối thuốc nên tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định là 0%.
DP3 đã có công văn trao đổi với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về vấn đề này nhưng chưa có hướng xử lý để giảm ngay về 0%. Điều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài chỉ còn cách bán ra cổ phần DP3, chứ không được mua vào.