Thủ tướng vừa yêu cầu Bộ Công an khẩn trương trình Chính phủ phương án đấu giá biển số xe trước 15/3. Đại tá Lê Xuân Đức - Cục phó Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đã có cuộc trao đổi với PV về nội dung này.
Đại tá Lê Xuân Đức, Cục phó Cục CSGT, Bộ Công an.
- Đề án này là chủ trương của Chính phủ và Bộ Công an nhằm góp phần cải cách thủ tục hành chính. Từ tháng 3/2017, sau khi nhận được chỉ đạo của Thủ tướng, với vai trò là đơn vị chủ trì, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ tư pháp, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện.
Chúng tôi nghiên cứu tài liệu của các nước, tổ chức nhiều cuộc họp với UBND một số địa phương và bộ ngành liên quan. Sau khi hoàn thành dự thảo đề án lần thứ năm, ngày 12/1, Bộ Công an đã có tờ trình Thủ tướng về Đề án này.
- Trong dự thảo đề án, biển số được phân chia thành các nhóm như thế nào, có tính đến biển đẹp - biển xấu hay không và làm thế nào để phân biệt?
- Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy việc sở hữu biển số đẹp là một nhu cầu có thật đối với người dân. Tuy nhiên, tùy theo quan niệm của từng người, có biển được cho là đẹp với người này, nhưng lại không đẹp với người kia. Ở góc độ quản lý chúng tôi không có khái niệm về biển số đẹp, vì biển số xe đơn giản sinh ra là để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Từ cách tiếp cận này, chúng tôi tạm chia thành 5 nhóm biển số để đưa ra đấu giá. Nhóm thứ nhất là các biển số gồm 5 chữ số giống nhau; nhóm thứ hai 4 chữ số cuối giống nhau; nhóm thứ ba 3 chữ số giống nhau; nhóm thứ tư là số sau lớn hơn số trước và nhóm thứ năm gồm các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn khác với 4 nhóm trên.
- Biển số mà người bỏ tiền ra để đấu giá sẽ gắn với chiếc xe hay gắn liền với người chủ của nó?
- Trước hết, việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe phải tuân thủ theo các quy định pháp luật và văn bản của Bộ Công an về công tác đăng ký, quản lý xe.
Biển số xe ôtô là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước và Chính phủ có trách nhiệm khai thác kho số cho việc này. Đồng thời, theo quy định về đăng ký xe thì mỗi biển số chỉ được cấp cho một xe, do vậy chủ phương tiện trúng đấu giá sẽ được sử dụng biển số đó cho xe của mình. Khi sang tên chuyển chủ chiếc xe, nếu cùng một địa phương thì chủ phương tiện được tiếp tục sử dụng biển số đó; còn khi sang địa phương khác thì phải thực hiện việc sang tên theo quy định.
Việc đấu giá biển số đẹp sẽ giúp công bằng, tránh tiêu cực và giảm bớt gánh nặng ngân sách
- Chúng tôi đề xuất đấu giá trực tuyến nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân ở bất kỳ nơi nào cũng có thể tham gia. Điều kiện tham gia chỉ là người dân có một tài khoản, có phương tiện và hồ sơ hợp lệ; số tiền thu từ đấu giá sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.
Để việc cấp quyền sử dụng biển số xe thông qua đấu giá đảm bảo công bằng, tất cả kho số đưa ra đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến.
Như vậy, người dân yên tâm về quá trình đấu giá biển số xe và kinh phí thu được, đảm bảo minh bạch và có sự tham gia giám sát của các địa phương, bộ ngành liên quan.
- Bộ Công an ước tính việc đấu giá sẽ tạo nguồn thu bao nhiêu cho ngân sách hàng năm?
- Việc này sẽ do thị trường đấu giá sẽ quyết định. Ví dụ qua thí điểm ở Hải Phòng, trong tổng số 198 phương tiện đi đăng ký, chỉ có 97 phương tiện tham gia đấu giá; các địa phương còn lại đạt từ 10% – 20%. Theo tôi, việc đấu giá biển số xe sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước là điều chắc chắn, còn con số cụ thể thì khó ước lượng ngay.
Dự thảo đề án đã có cơ sở pháp lý đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu xã hội và có sự đồng thuận của các bên liên quan.
Nếu đề án được thông qua, Bộ Tài chính và các đơn vị chức năng cũng đã lên phương án quản lý, sử dụng số tiền thu được. Bộ Công an cũng đã xây dựng cơ chế đấu giá trực tuyến hết sức minh bạch. Tôi cho rằng đề án khi đi vào cuộc sống sẽ đạt được những mục tiêu, yêu cầu đã đề ra.
Việc đấu giá biển số xe đã được Cục CSGT (Bộ Công an) đề xuất từ năm 1993, thời điểm đó một số địa phương như Hải Phòng tổ chức đấu giá biển số xe, tuy nhiên do dư luận xã hội chưa đồng thuận nên Thủ tướng đã yêu cầu dừng triển khai.
Sau đó Bình Thuận, Nghệ An là hai địa phương tổ chức đấu giá biển số xe, số tiền thu được hàng tỉ đồng để hỗ trợ người nghèo. Nhưng do thiếu nhiều cơ sở pháp lý nên hai tỉnh này cũng tạm dừng hoạt động trên.