Nếu Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, số lượng quy hoạch sẽ giảm từ 19.285 xuống còn 11.413 quy hoạch. Ảnh: Nhã Chi |
Đây cũng là một bước tiến lớn trong việc xóa bỏ cơ chế xin - cho nhờ việc loại bỏ những “giấy phép” trái với quy luật kinh tế thị trường, tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Xem trọng nguồn lực quốc gia
Hiện nay, có tổng số 19.285 quy hoạch được lập cho giai đoạn 2011 - 2020 ở tất cả các cấp và vùng lãnh thổ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nếu Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua, số lượng quy hoạch sẽ giảm xuống chỉ còn 11.413 quy hoạch. Trong đó có 110 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, bao gồm 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 38 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh và 11.305 quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn.
Hơn nữa, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh sẽ giảm tới 97%, từ 4.362 quy hoạch xuống còn 110 quy hoạch. Đồng thời, loại bỏ 708 quy hoạch tổng thể ở cấp huyện do được tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Để làm được việc này, 95 luật và pháp lệnh (chiếm gần 50% tổng số luật, pháp lệnh có hiệu lực) đang chi phối lĩnh vực này hiện nay sẽ phải tinh gọn thực hiện theo 2 văn bản luật điều chỉnh về công tác quy hoạch khi Luật Quy hoạch ra đời. Đó là Luật Quy hoạch điều chỉnh chung các loại quy hoạch tổng thể từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn điều chỉnh các quy hoạch chi tiết từ cấp huyện đến cấp xã.
Điều này tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và ngay cả những cán bộ làm công tác quản lý tiếp cận thông tin đơn giản và dễ tra cứu hơn. Nhưng quan trọng hơn cả, việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia (theo quy định của Luật Quy hoạch) sẽ có vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, tổ chức không gian phát triển ổn định lâu dài và phân bổ, sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, các vùng lãnh thổ và từng địa phương.
Cách làm quy hoạch trước đây là từng bộ, ngành làm những quy hoạch riêng để thực hiện chiến lược phát triển ngành mình quản lý. Thực tế cho thấy, những quy hoạch này không có sự tham gia ý kiến đầy đủ và có trách nhiệm của các bộ, ngành khác, dẫn đến khi thực hiện thường chồng chéo, mâu thuẫn.
Với việc quy định cụ thể về điều kiện được điều chỉnh quy hoạch, trình tự và thủ tục điều chỉnh quy hoạch, Luật Quy hoạch sẽ khắc phục được thực trạng điều chỉnh tùy tiện, tình trạng xin - cho, đưa vào - đưa ra quy hoạch các dự án một cách tùy tiện, hạn chế được sự lãng phí các nguồn lực quốc gia.
Nói cách khác, giá trị quan trọng nhất của Luật Quy hoạch mang lại là tính thống nhất trong quản lý nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch thuộc Bộ KH&ĐT, Tổ trưởng Tổ biên tập Dự thảo Luật khẳng định quan điểm: "Chúng tôi không đặt vấn đề tiết kiệm tiền lên làm mục tiêu hàng đầu, mà chúng tôi đặt vấn đề hiệu quả là chính. Chúng ta có thể bỏ nhiều tiền hơn để làm 1 bản quy hoạch so với giá hiện nay nhưng bản quy hoạch đó thực sự phục vụ cho mục tiêu phát triển. Còn trong 19.285 bản quy hoạch kể trên, rất nhiều bản quy hoạch không bao giờ được thực hiện, vì nó không đưa ra đối tượng quản lý, không rõ về hiệu quả. Nó không những cản trở về quản lý còn cản trở về đầu tư. Mục tiêu làm thế nào để chi phí đó có hiệu quả. Cách làm quy hoạch mới, tư duy mới có thể đắt hơn".
Không phá vỡ mà chỉ chỉnh sửa cho phù hợp
Tuy nhiên, Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu từ 3.372 (thống kê cho giai đoạn 2011 - 2020) xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia. Luật Quy hoạch sẽ xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch sản phẩm, thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường.
Theo một số chuyên gia, điều này sẽ giúp loại bỏ những “giấy phép” trái với quy luật của kinh tế thị trường, tạo bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm, ngành nghề trước đây được quản lý bằng công cụ quy hoạch, nay chuyển sang thực hiện bằng các điều kiện, tiêu chuẩn công khai, minh bạch, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.
Luật Quy hoạch giúp phân biệt mạch lạc mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước thực hiện chức năng kiến tạo, tạo động lực; thị trường tự quyết định và điều chỉnh chính mình.