Đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội: 9 tháng chưa chốt được kết quả, vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đã 9 tháng kể từ khi cuộc đấu giá 3 mỏ cát tại Hà Nội kết thúc, các doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn chưa nhận được quyết định phê duyệt kết quả. Các doanh nghiệp khẳng định đang tiếp tục đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm phê duyệt quyết định trúng đấu giá. Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội vẫn giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, lấy ý kiến các cơ quan để xử lý kết quả đấu giá.
Ba mỏ cát tại Hà Nội được đưa ra đấu giá từ tháng 11/2023, tổng giá trúng đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng. Ảnh: St
Ba mỏ cát tại Hà Nội được đưa ra đấu giá từ tháng 11/2023, tổng giá trúng đấu giá là gần 1.700 tỷ đồng. Ảnh: St

Ngày 12/8/2024, UBND TP. Hà Nội có báo cáo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc triển khai thực hiện Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Liên quan đến cuộc đấu giá nêu trên, theo UBND TP. Hà Nội, từ công tác lập Đề án, khảo sát, đánh giá trữ lượng, thực hiện Đề án đến công tác lập hồ sơ và tổ chức đấu giá, các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội đã thực hiện theo đúng quy trình, rõ ràng, chặt chẽ, khách quan và bảo đảm an ninh trật tự, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến ngày 12/8/2024 vẫn chưa phê duyệt kết quả trúng đấu giá là do cuộc đấu giá có giá trả cao bất thường, kết quả cao gấp nhiều lần giá khởi điểm gây bất ổn thị trường vật liệu xây dựng nói riêng, tiềm ẩn khó lường về sự lũng đoạn thị trường; dễ xảy ra tình trạng sơ hở để các tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, các đơn vị tham gia đấu giá 3 mỏ cát đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu (đáp ứng tiêu chí cao hơn 30% tổng vốn đầu tư của Dự án khai thác khoáng sản (Dự án) được tính trên cơ sở tổng vốn đầu tư tại các dự án đã được phê duyệt trên địa bàn Hà Nội). Tuy nhiên, sau phiên đấu giá, vì giá trúng đấu giá tăng quá cao so với giá khởi điểm nên vốn chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp trúng đấu giá nhỏ hơn 30% tổng vốn đầu tư của Dự án, không đủ điều kiện cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 53 Luật Khoáng sản. Bất cập này đến từ quy định về điều kiện tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại Nghị định số 22/2012/NĐ-CP của Chính phủ và điều kiện cấp phép khai thác theo Luật Khoáng sản; điều kiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư chưa bao quát hết nội dung khi giá cấp quyền khai thác được trả quá cao như trường hợp nêu trên.

Do đó, UBND TP. Hà Nội đang tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát, đồng thời lấy ý kiến các cơ quan để thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước nhằm xử lý dứt điểm đối với kết quả đấu giá 3 mỏ cát đã được kiểm tra, rà soát theo quy định.

Ngày 5/11/2023, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát với kết quả như sau: Công ty CP Đầu tư và Thương mại Việt Sơn trúng đấu giá mỏ Châu Sơn với giá 396,865 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá mỏ Tây Đằng - Minh Châu với giá 883,93 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP trúng đấu giá mỏ Liên Mạc với giá 408,290 tỷ đồng.

Trong khi đó, 2/3 doanh nghiệp trúng đấu giá cho biết, đang tiếp tục đề nghị UBND TP. Hà Nội sớm phê duyệt quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 3 mỏ cát nêu trên. Các doanh nghiệp nêu quan điểm, cuộc đấu giá diễn ra công khai, minh bạch, khách quan và bảo đảm an ninh trật tự, có sự chứng kiến, giám sát của các cơ quan báo chí, lực lượng chức năng, công an; việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, việc triển khai các thủ tục bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ KSP khẳng định, ngày 14/5/2024, Công ty đã tăng vốn chủ sở hữu lên mức 150 tỷ đồng; đồng thời sẵn sàng nguồn tài chính để nộp tiền trúng đấu giá theo quy định. Một doanh nghiệp trúng đấu giá khác cho biết đang chờ quyết định của UBND TP. Hà Nội và sau đó sẽ thực hiện thủ tục tăng vốn.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, dẫn chiếu quy định tại Điều 22 Nghị định 22/2012/NĐ-CP thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ đấu giá quy định tại Điều 17 Nghị định này phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, giai đoạn cấp phép khai thác khoáng sản và giai đoạn tổ chức đấu giá để lựa chọn đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 2 giai đoạn độc lập, tách biệt hoàn toàn với nhau. Do đó, doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện tham gia đấu giá và tuân thủ đúng quy định trong quá trình đấu giá, trả giá cao nhất trong cuộc đấu giá thì phải được công nhận kết quả trúng đấu giá; việc cơ quan có thẩm quyền chậm trễ/không công nhận kết quả trúng đấu giá tại các mỏ cát này là không đúng quy định pháp luật. Khi có quyết định công nhận kết quả đấu giá, bước sang giai đoạn cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục căn cứ quy định của pháp luật để xét duyệt hồ sơ, xác định doanh nghiệp trúng đấu giá có đáp ứng đủ điều kiện để cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hay không.

Tin cùng chuyên mục