Đấu giá biển số xe: Tạo niềm tin vào sự quản lý minh bạch của nhà nước

Dự thảo Luật Quản lý tài sản nhà nước đã bổ sung các loại số như biển số xe, số điện thoại vào nội dung tài sản công. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng quy chế, thực hiện đấu giá các loại tài sản này, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với PV bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: H.Y
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với PV bên lề Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Ảnh: H.Y

Biến số xe, số điện thoại được công nhận là tài sản công

Trong quá trình góp ý xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa các loại tài sản vô hình như số điện thoại đẹp, biển số xe đẹp, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình, thương hiệu, cơ sở dữ liệu,... vào nội dung phân loại tài sản công.

Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo dự luật bổ sung vào khoản 6 Điều 4 của Dự thảo Luật nội dung “kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Bên cạnh việc quy định, phân loại cụ thể về tài sản công, Dự thảo luật đã giao Bộ Tài chính quy định nội dung, cấu trúc, kiểu thông tin cơ sở dữ liệu tài sản công, từ đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công và giao cho các Bộ, ngành cơ quan trung ương xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các loại tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Như vậy, tới đây, các kho số thông tin như biển số xe, số điện thoại chính thức trở thành tài sản công. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng quy chế, thực hiện đấu giá các loại tài sản này, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách.

Cùng với việc tiến hành luật hóa loại các tài sản công vô hình như kho số, thông tin... mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công an xây dựng đề án đấu giá biển số xe, coi biển số là tài sản, nguồn thu từ việc bán đấu giá biển số sẽ được đưa vào ngân sách nhà nước.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, mặc dù từ năm 2009 Chính phủ có công văn giao các Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn bán đấu giá biển số, nhưng từ đó đến nay chưa thực hiện được, mà lý do là bởi chưa có luật nào quy định. Quy định của pháp luật mới coi biển số chỉ là mã số để quản lý mà chưa coi đó là một loại tài sản để mang ra đấu giá.

Hiện nay, khi dự thảo Luật Quản lý tài sản nhà nước đã được bổ sung nội dung công nhận các kho số cũng là một loại tài sản công, việc đấu giá biển số đã có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Đấu giá biển số xe: Minh bạch trong quản lý

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội  cho rằng, nhu cầu người dân có biển số đẹp là có thực và nguồn lực có thể thu được từ việc đấu giá biển số xe là rất lớn. Việc đấu giá biển số vừa thỏa mãn được nhu cầu của người dân, vừa đem lại nguồn thu cho ngân sách, đồng thời tránh những xảy ra tiêu cực, xin cho. Do đó, đây là việc “vừa ích nước, vừa lợi nhà”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng: Nếu hình thành được các quy định liên quan và thực hiện được việc đấu giá các loại tài sản vô hình như biển số xe là rất tốt, bởi sẽ đảm bảo công bằng, khách quan trong quản lý. Nếu việc đấu giá biển số xe có các quy định chặt chẽ, các thủ tục đấu giá được tiến hành đúng quy định thì không chỉ đem lại về nguồn thu lớn cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu của người dân, mà hơn thế nữa là tạo ra niềm tin vào sự minh bạch, công bằng trong hoạt động quản lý của nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng lưu ý, để việc đấu giá biển số xe được triển khai trong thực tế không hề đơn giản, bởi đây là vấn đề mới, còn nhiều nội dung không dễ quy định rõ. Chẳng hạn như quy định thế nào là biển số đẹp? Quan niệm của xã hội và quan niệm của cơ quan quản lý có thể rất khác nhau. Cách thức đấu giá cũng phải rất cẩn thận, bởi có thể xảy ra tình trạng quân xanh, quân đỏ, hay những bất cập khác đã gặp trong đấu giá, đấu thầu trước đây.

Do đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị phải xem xét những bất cập, hạn chế trong các quá trình đấu giá trước đây để có quy định quản lý về đấu giá biển số. Ngoài ra, cũng có thể tổ chức thí điểm trước một số phiên đấu giá trước. Khi thực sự thích hợp thì đưa vào văn bản luật, nghị định cho cụ thể, chặt chẽ hơn.

“Đấu giá biển xe rất vấn đề rất phức tạp, tế nhị, đấu giá một căn biệt thự còn dễ hơn, do đó rất cần các cơ quan phải phối hợp nghiên cứu, tham mưu”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tin cùng chuyên mục