Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: Xóa cơ chế xin - cho

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (TSVTĐ), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đề xuất đấu giá đối với các TSVTĐ sử dụng các công nghệ đã có để bảo đảm khách quan, dễ thực hiện, mang lại nguồn thu cao hơn cho Nhà nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp viễn thông cho rằng, nên ưu tiên lựa chọn phương thức thi tuyển; chỉ nên đấu giá nếu tài nguyên TSVTĐ quá ít, không đủ cho các doanh nghiệp.
Đấu giá hay thi tuyển là hai hình thức giúp cho việc cấp phát quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Đấu giá hay thi tuyển là hai hình thức giúp cho việc cấp phát quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Doanh nghiệp đề xuất nên ưu tiên thi tuyển

Bộ TT&TT đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật TSVTĐ để xử lý những vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn quản lý. Theo đó, đối với việc cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ, Dự thảo quy định các phương thức: cấp giấy phép trực tiếp, cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng TSVTĐ; cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng TSVTĐ.

Trong đó, phương thức đấu giá quyền sử dụng TSVTĐ được áp dụng đối với băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng. Việc cấp giấy phép theo phương thức này được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ đấu giá theo những tiêu chí nhất định và mức trả giá của doanh nghiệp.

Áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng TSVTĐ đối với băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng trong trường hợp cần phủ sóng nhanh, trên phạm vi rộng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ TT&TT.

Góp ý về các phương thức cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ, một số doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel cho rằng, nên ưu tiên lựa chọn phương thức thi tuyển. Chỉ nên đấu giá nếu tài nguyên quá ít, không đủ cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đề xuất, khi nào nhu cầu lớn hơn cung từ 2 - 3 lần mới thực hiện việc đấu giá, hoặc trong trường hợp cần thu hút vốn đầu tư cho việc xây dựng mạng lưới viễn thông di động công cộng hoàn toàn mới và doanh nghiệp trong nước không có đủ nguồn lực đầu tư.

Theo Viettel, Dự thảo Luật cần làm rõ “những tiêu chí nhất định” trong phương thức cấp phép thông qua đấu giá vì phương thức cấp phép thông qua thi tuyển đã nêu rõ những tiêu chí cơ bản về năng lực tài chính và đầu tư, năng lực kỹ thuật nghiệp vụ, năng lực kinh doanh, nguồn nhân lực, còn phương thức đấu giá thì chưa đề cập đến.

Đối với điều kiện để được cấp giấy phép trong trường hợp áp dụng phương thức đấu giá hoặc thi tuyển, doanh nghiệp viễn thông đề xuất chỉ cấp phép cho các doanh nghiệp có đủ giấy phép thiết lập mạng.

Thu ngân sách qua đấu giá sẽ cao hơn

Dự thảo đề xuất phương thức cấp giấy phép sử dụng TSVTĐ theo hướng chỉ thi tuyển khi cần triển khai công nghệ mới trong thời gian nhất định để phủ sóng trên diện rộng, phủ sóng các khu vực vùng sâu, vùng xa theo quy định của Chính phủ.

Bộ TT&TT cho rằng, các đề xuất của doanh nghiệp nêu trên là không khả thi vì không có cơ sở nào để xác định đối với một băng tần cụ thể thì doanh nghiệp trong nước không đủ nguồn lực đầu tư hoặc nhu cầu gấp 2 - 3 lần cung (vì cung - cầu thật chỉ thể hiện khi tổ chức đấu giá/thi tuyển), đồng thời không bảo đảm tính công bằng, khách quan giữa các đối tượng quản lý.

Trên thực tế, đấu giá hay thi tuyển là hai hình thức tiến bộ, giúp cho việc cấp phát tài nguyên quý hiếm được công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, loại bỏ xin - cho. Tuy nhiên, đấu giá minh bạch, dễ thực hiện và cho phép thu được tiền cấp quyền sử dụng sát với giá trị thật của băng tần hơn thi tuyển.

Bộ TT&TT nêu rõ, trong trường hợp đấu giá, lợi nhuận của doanh nghiệp có thể thấp hơn và người dân có thể phải trả cước dịch vụ cao hơn.

Liên quan đến đề xuất làm rõ những tiêu chí trong phương thức cấp phép thông qua đấu giá, Bộ TT&TT cho biết, sẽ tiếp thu, sửa đổi làm rõ những tiêu chí nhất định khi đấu giá là những tiêu chí cơ bản về năng lực tài chính, đầu tư.

Riêng đối với điều kiện để được cấp giấy phép trong trường hợp áp dụng phương thức đấu giá hoặc thi tuyển, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh, việc chỉ cho phép doanh nghiệp “có đủ giấy phép thiết lập mạng” được tham gia đấu giá, thi tuyển là không phù hợp với cơ chế thị trường. Trong trường hợp doanh nghiệp nước ngoài, hoặc doanh nghiệp mới muốn tham gia thị trường thì buộc phải hợp tác với doanh nghiệp cổ phần đã có giấy phép là không bảo đảm tính bình đẳng, khách quan.

Để thực hiện đấu giá quyền sử dụng TSVTĐ, Bộ TT&TT đề xuất sửa đổi đồng thời Luật TSVTĐ và Luật Đấu giá tài sản. Theo đó, đưa vào Luật TSVTĐ các nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng TSVTĐ trên cơ sở học tập kinh nghiệm của thế giới; đồng thời sửa đổi Khoản 2 Điều 3 của Luật Đấu giá tài sản để cho phép đấu giá quyền sử dụng tần số được thực hiện theo quy định của pháp luật về TSVTĐ như hiện nay đang cho phép đấu giá chứng khoán được thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán.

Tin cùng chuyên mục