Đấu giá thúc đẩy cạnh tranh dịch vụ thông tin vô tuyến

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), sau 10 năm thi hành, Luật Tần số vô tuyến điện cần phải được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện. Trong đó, việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần di động cần được quy định trong Luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị quy định đấu giá, thi tuyển đối với băng tần di động. Ảnh: Quang Tuấn
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị quy định đấu giá, thi tuyển đối với băng tần di động. Ảnh: Quang Tuấn

Cấp phép thông qua thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số

Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 có ý nghĩa lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành vô tuyến điện.

Những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự thay đổi đột phá của công nghệ thông tin di động, vệ tinh, đòi hỏi cách thức quản lý tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh có những thay đổi để phù hợp. Bộ TT&TT đang xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cho phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện. Trong đó, để thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá.

Theo Bộ TT&TT, những quy định mới này nhằm mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số vô tuyến điện, góp phần tăng tính cạnh tranh cho thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến điện.

Cụ thể, Luật Tần số vô tuyến điện hiện quy định đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ; Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển theo từng thời kỳ. Quy định này theo Bộ TT&TT là còn chung chung, tổng quát.

Trên thế giới, tần số vô tuyến điện được đấu giá hoặc thi tuyển chủ yếu là các băng tần dành cho thông tin di động công cộng. Một số ít quốc gia như Mỹ, New Zealand đấu giá kênh tần số cho truyền hình thương mại gắn với quyền làm nội dung, khác với Việt Nam chỉ gắn với quyền làm dịch vụ viễn thông, còn nội dung thì cần có giấy phép làm truyền hình riêng.

Do đó, Bộ TT&TT đề nghị quy định đấu giá, thi tuyển đối với băng tần di động trong Luật, còn việc đấu giá, thi tuyển các băng tần, kênh tần số trong số các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao khác sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

Dự thảo Luật cũng xác định loại băng tần, kênh tần số được cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là băng tần dành cho thông tin di động và các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao khác.

Tranh cãi về đối tượng được tham gia đấu giá, thi tuyển

Để bảo đảm doanh nghiệp trúng đấu giá, trúng thi tuyển được cấp giấy phép viễn thông ngay, Dự thảo Luật quy định cụ thể đối tượng được tham gia đấu giá, thi tuyển là doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông tương ứng với loại giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển.

Cho ý kiến về nội dung này, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đề nghị, đối tượng được tham gia đấu giá, thi tuyển là doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông có sử dụng băng tần, kênh tần số tương ứng với loại hình dịch vụ của băng tần được đấu giá, thi tuyển để đảm bảo hiệu quả sử dụng tần số, hạn chế việc phân mảnh băng tần.

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội cho rằng, tần số không phụ thuộc vào công nghệ, do đó đề xuất bỏ nội dung “tương ứng với loại giấy phép thiết lập mạng viễn thông sử dụng băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển”.

Ở góc nhìn khác, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam đề nghị bỏ giới hạn doanh nghiệp có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông. Lý do là phải có tần số thì doanh nghiệp mới lập được hồ sơ xin cấp phép thiết lập mạng viễn thông có sử dụng băng tần, tần số. Doanh nghiệp có ý định đầu tư vào hệ thống viễn thông thì mới tham gia đấu giá, vì khi trúng đấu giá sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn. Sau khi được cấp tần số, doanh nghiệp mới có căn cứ để lập dự án đầu tư, xin cấp phép. Nếu quy định như trên sẽ dẫn đến những doanh nghiệp chưa được cấp phép không có khả năng tham gia đấu giá, giảm tính cạnh tranh.

Bảo lưu quan điểm được đưa ra trong Dự thảo Luật, Bộ TT&TT nhấn mạnh, quy định này không hạn chế doanh nghiệp mới tham gia thị trường mà chỉ nhằm bảo đảm doanh nghiệp trúng đấu giá, trúng thi tuyển sẽ được cấp giấy phép viễn thông ngay, vì khi tham gia đấu giá, thi tuyển, doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép viễn thông.

Tin cùng chuyên mục