Thủ tướng đã yêu cầu tổ chức thí điểm đấu giá trực tuyến đối với một số tài sản công do bộ, ban, ngành ở Trung ương quản lý, quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất có giá trị lớn |
Khởi động đấu giá trực tuyến
Luật ĐGTS năm 2016 đánh dấu mốc quan trọng chính thức công nhận “đấu giá trực tuyến” là một trong những hình thức đấu giá được pháp luật bảo hộ bên cạnh hình thức đấu giá truyền thống.
Theo một số chuyên gia, việc bổ sung thêm hình thức ĐGTT không chỉ góp phần đa dạng hóa hình thức đấu giá, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, mà còn tiếp cận với xu thế phát triển của thế giới, hạn chế tối đa sự móc ngoặc, thông đồng, dìm giá, giúp thu hút được nhiều người, tổ chức tham gia, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, Luật ĐGTS đã ra đời được hơn 4 năm, Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ĐGTS (có 1 chương về thực hiện ĐGTT) có hiệu lực được hơn 3 năm, song đến nay hình thức đấu giá này vẫn chỉ trong giai đoạn “khởi động”, với việc có 3 tổ chức đấu giá tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT, số cuộc đấu giá được thực hiện trực tuyến vẫn còn quá ít ỏi.
Theo thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS (Bộ Tư pháp), tháng 5/2020, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia là tổ chức đấu giá tài sản đầu tiên trên cả nước được phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức ĐGTT. Tháng 6/2020, Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt là tổ chức tiếp theo đủ điều kiện. Mới đây nhất, tháng 9/2020, Công ty Đấu giá hợp danh Rồng Việt được Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng phê duyệt đủ điều kiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia thông tin, bước đầu đã thực hiện được một số cuộc đấu giá tài sản công bằng hình thức ĐGTT. Công ty đang xúc tiến và phối hợp với Cục Thi hành án TP. Hà Nội, Cục Quản lý thị trường… để bán ĐGTT một số tài sản công khác.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cho biết, tính tới giữa tháng 12/2020, hệ thống ĐGTT của Lạc Việt đã thực hiện được 20 cuộc bán đấu giá tài sản trực tuyến, với tổng giá trúng đấu giá khoảng 200 tỷ đồng chênh lệch khoảng 40 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Hiện, trang ĐGTT của Lạc Việt đã đạt được tất cả các mục tiêu mà tổ chức ĐGTS này đặt ra khi xây dựng hệ thống. Đó là mọi quy trình thực hiện ĐGTS đều được thực hiện thông qua môi trường mạng, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người tham gia đấu giá, tổ chức ĐGTS, chủ tài sản… để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong quá trình đấu giá.
Cần sự quyết tâm của người có tài sản
ĐGTT có ưu thế là vậy, song vẫn chưa có nhiều tổ chức có tài sản lựa chọn.
Tại thời điểm công bố tổ chức đấu giá đầu tiên đủ điều kiện thực hiện ĐGTT trên cả nước, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhấn mạnh rằng, sự thành công của hình thức ĐGTT sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: sự chuẩn bị tốt về công nghệ, nguồn nhân lực, vấn đề pháp lý…, nhưng trong đó, yếu tố con người là quyết định. Do đó, ĐGTT cần nhận được sự ủng hộ, quyết tâm thực hiện từ người có tài sản, tổ chức đấu giá…
Đồng quan điểm về quyết tâm thực hiện của người có tài sản, một tổ chức đấu giá cho biết, sau khi xây dựng thành công hệ thống ĐGTT, tổ chức này đã tìm nhiều cách để phổ biến rộng rãi việc thực hiện ĐGTT như: hợp tác với các tổ chức ĐGTS khác để thực hiện ĐGTT, cho mượn/sử dụng chung hệ thống ĐGTT, chuyển nhượng phần mềm hệ thống ĐGTT…, thậm chí cho mượn miễn phí với mục tiêu gia tăng lan tỏa hình thức ĐGTT… Tuy nhiên, kết quả hợp tác, triển khai ĐGTT vẫn chưa được như mong đợi. Bước đầu, mới chỉ có vài chục tài sản được bán ĐGTT.
Lý giải về thực trạng này, một đấu giá viên cho rằng, cộng đồng, xã hội và đặc biệt là chủ tài sản có thể chưa có hiểu biết sâu về ĐGTT; hoặc vẫn còn có những “lợi ích nhóm” nào đó chi phối, trì hoãn việc triển khai thực hiện ĐGTT.
Một tổ chức ĐGTS khác cho biết, sự ưu việt của hình thức ĐGTT là điều không ai có thể phủ nhận, nhưng trong thực tế, các quy định pháp lý về đấu giá tài sản hiện nay lại chưa có những quy định khuyến khích thực hiện ĐGTT.
Do đó, ĐGTT cần sự quan tâm của cấp có thẩm quyền, cơ quan hoạch định chính sách để có những quy định ưu tiên, khuyến khích áp dụng ĐGTT như một lựa chọn ưu tiên khi thực hiện đấu giá tài sản công.
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh thông tin, hiện hệ thống ĐGTT của Lạc Việt mới chỉ bán đấu giá các tài sản là động sản (ô tô, tài sản thanh lý, vật tư thu hồi…). Đối với các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất với lượng người tham gia đấu giá tới hàng trăm hồ sơ thì hệ thống ĐGTT của Lạc Việt vẫn chưa được lựa chọn để thực hiện. Lý do là vì sự e dè, lo ngại của người có tài sản đối với việc người dân chưa quen sử dụng công nghệ nên chưa áp dụng hình thức ĐGTT vào việc bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 40/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS, trong đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt, chỉ đạo người có tài sản lựa chọn hình thức đấu giá, bước giá phù hợp với từng cuộc đấu giá; tổ chức thực hiện thí điểm việc đấu giá bằng hình thức ĐGTT đối với một số loại tài sản công do bộ, ban, ngành ở Trung ương quản lý và tài sản là quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất hoặc tài sản thuộc sở hữu nhà nước gắn liền với quyền sử dụng đất có giá trị lớn.
Với việc tăng cường triển khai ĐGTT thời gian tới, hi vọng các hạn chế, yếu kém trong hoạt động ĐGTS sẽ sớm được khắc phục, hạn chế tối đa các hành vi tiêu cực trong đấu giá truyền thống: không bán hồ sơ đấu giá, ngăn chặn không cho nộp hồ sơ đấu giá, đe dọa người tham gia đấu giá…