Dấu mốc 1 triệu DN và kỳ vọng bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất định, nhưng với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế được khôi phục, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp (DN) gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng mạnh so với năm 2023, đóng góp tích cực vào bức tranh tươi sáng của nền kinh tế.
Ước tính năm 2024 có hơn 240.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 15,2% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi
Ước tính năm 2024 có hơn 240.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 15,2% so với năm 2023. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều tín hiệu lạc quan

Những ngày cuối năm 2024, trên các công trường của Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật hối hả làm việc để kịp đơn hàng cung cấp cho các đối tác trong nước cũng như quốc tế. Năm 2024 tiếp tục là một năm thắng lớn đối với PTSC khi sân chơi cho nhà thầu ngày càng rộng mở.

Tháng 12/2024, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện nhiều bộ, ngành và đơn vị liên quan, PTSC đã khởi công giàn CPP - trái tim của chuỗi dự án Lô B và ký hợp đồng FSO Lạc Đà Vàng; hạ thủy và bàn giao chân đế điện gió ngoài khơi Dự án CHW2204 cho khách hàng Orsted (Đan Mạch); khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi cho Dự án Điện gió ngoài khơi Baltica tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất thế giới…

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện PTSC cho biết, trong bối cảnh chuyển dịch xanh diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành năng lượng, PTCS đã tìm thấy cơ hội kinh doanh mới này. Bằng việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng mới và các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, PTSC đã từng bước tạo nên dấu ấn riêng, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa trên bản đồ năng lượng toàn cầu.

Với đà hồi phục của thị trường trong nước và quốc tế, hoạt động của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cũng ghi dấu ấn tăng trưởng.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2024, dù đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, ngành dệt may vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26%, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93%.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex thì chia sẻ, năm 2024, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III/2024. Đến thời điểm này, nhiều DN dệt may đã có đơn hàng hết quý I, thậm chí đã có đơn hàng đến quý II/2025.

Với ngành thép, ông Trần Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên cho biết, năm 2024, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu thép trong nước và xuất khẩu, Hòa Phát đã sẵn sàng đón bắt cơ hội đang mở ra ở hàng loạt dự án hạ tầng lớn, trong đó có Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư hơn 67 tỷ USD vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.

Cùng với sự phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh của các DN hiện hữu, hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường của các doanh chủ cũng sôi động trở lại và có bước phát triển mới. Theo ước tính, năm 2024 có khoảng 240.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 15,2% so với năm 2023, thiết lập kỷ lục mới về số DN gia nhập thị trường từ trước tới nay. Trong đó, số DN thành lập mới ước đạt khoảng 161.000 DN, tăng 8,42%.

Quyết tâm của các doanh nghiệp, doanh nhân mới trong việc gia nhập thị trường giúp Việt Nam tiến đến dấu mốc 1 triệu doanh nghiệp cùng hoạt động. Làm thế nào để xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch, hỗ trợ các ý tưởng, các dự án đầu tư nhân lên giá trị là trăn trở thường trực của lãnh đạo nhiều cơ quan, ban ngành.

Tạo đà để doanh nghiệp bứt phá năm 2025

Nhìn vào sự phát triển của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sau gần 40 năm Đổi mới, với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Một số DN phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. “Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội với đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đề cập về cơ hội phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bối cảnh hiện nay vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến thời cơ, vận hội mới. Để có thể tận dụng cơ hội, bắt kịp xu hướng mới, đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam phải chuẩn bị một tâm thế để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trong chia sẻ gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ai khác, chính DN mới là chủ thể làm cho đất nước thịnh vượng, giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc”.

Để khơi thông động lực phát triển nền kinh tế, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua nhiều chính sách quan trọng để tăng “trợ lực” cho cộng đồng DN nắm bắt tốt hơn các cơ hội phát triển. Trong đó, Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 đã thiết kế “luồng xanh” - thủ tục đầu tư đặc biệt để thu hút dự án công nghệ cao. Khi “luồng xanh” về thủ tục cho các dự án công nghệ cao được mở vào đầu năm 2025, kỳ vọng thu hút đầu tư nước ngoài trong những lĩnh vực ưu tiên sẽ mạnh mẽ hơn, góp phần tạo tác động lan tỏa, thôi thúc khát vọng gia nhập thị trường của nhiều DN, doanh nhân mới.

Chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới, ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện về việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 gửi các trưởng ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đưa kinh tế tăng tốc, bứt phá trong năm mới. Trong Công điện, Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc cho DN, nhất là thủ tục hành chính; hỗ trợ DN đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích hiệu quả…, kiến tạo môi trường thuận lợi cho DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Thông tin từ cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, năm 2025, hệ thống đăng ký doanh sẽ tiếp tục nâng cấp để phục vụ công tác đăng ký DN thuận lợi hơn; thủ tục đăng ký tiếp tục được cải cách…

Với đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ năm 2024 cùng các dự báo sáng về triển vọng kinh tế nước ta trong năm 2025, nhiều ý kiến lạc quan và tin tưởng, hoạt động gia nhập và tái gia nhập thị trường của DN sẽ tiếp tục bứt phá.

Tin cùng chuyên mục