Hồ sơ mời thầu nhiều gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện coi công nhân vệ sinh là nhân sự chủ chốt. Ảnh: Nhã Chi |
Bài 1: Khắt khe tiêu chí mời thầu
Qua tiếp nhận phản ánh và khảo sát của Báo Đấu thầu, việc lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện... liên tục gặp kiến nghị do những tiêu chí đưa ra trong hồ sơ mời thầu (HSMT) chưa phù hợp, chưa bảo đảm tính cạnh tranh. Thay vì xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu có năng lực, có công nghệ tiên tiến, nhiều bên mời thầu chỉ chăm chăm đưa ra tiêu chí để loại bỏ nhà thầu.
Một vấn đề nổi cộm trong các gói thầu cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện gây ra nhiều tranh cãi là những điều kiện trong HSMT thu hẹp đối tượng có khả năng đáp ứng yêu cầu, hạn chế nhà thầu tham gia, và cũng không loại trừ ý đồ tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cụ thể, một số gói thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh bệnh viện đưa ra tiêu chí quá cao về nhân sự như: 100% nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, bảo hiểm tai nạn lao động; nhân sự phải có hợp đồng lao động chính thức với nhà thầu; có sơ yếu lý lịch được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền; nhà thầu phải có Chứng nhận đào tạo về phòng cháy chữa cháy còn hiệu lực, Chứng nhận ISO 9001:2015 hệ thống quản lý chất lượng, Chứng nhận ISO 14001:2015 hệ thống quản lý môi trường, Chứng nhận ISO 45001:2018 quản lý an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Chứng nhận thực hành tốt 5S…
Tại Quảng Ninh, HSMT Gói thầu Cung cấp dịch vụ vệ sinh cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả năm 2023 yêu cầu: “100% nhân sự đề xuất phải có hợp đồng lao động chính thức với nhà thầu (bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Tại Thanh Hóa, HSMT Gói thầu Dịch vụ vệ sinh Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương yêu cầu: “Nhà thầu có văn phòng đại diện tại Thanh Hóa”. Tại TP.HCM, Gói thầu Dịch vụ vệ sinh năm 2023 của Bệnh viện Quận 8 (đóng thầu ngày 27/7/2023) yêu cầu nhà thầu “cam kết bố trí các nhân sự đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu (HSDT) đến trình diện chủ đầu tư trong quá trình thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhân sự đã đề xuất không đến trình diện hoặc không đúng nhân sự đã đề xuất trong HSDT thì nhà thầu được xem là không đạt về khả năng huy động nhân sự”.
Đặc biệt, tiêu chí uy tín nhà thầu được các bên mời thầu sử dụng khá phổ biến trong nhiều gói thầu giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện.
Đơn cử, Gói thầu Dịch vụ giặt là đồ vải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa năm 2022 - 2023 yêu cầu “nhà thầu không bị kết luận của cơ quan có thẩm quyền về việc vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất kinh doanh”. HSMT Gói thầu Dịch vụ vệ sinh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tại Khu kỹ thuật cao, Khu xạ trị gia tốc năm 2022 - 2023 không chấp nhận nhà thầu từng bị cấm thầu ở bất kỳ địa phương nào trên toàn quốc.
Tại Gói thầu Dịch vụ làm sạch, dọn vệ sinh trọn gói 12 tháng tại Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc, Hải Dương (mở thầu ngày 24/7/2023), HSMT quy định nhà thầu “không bị cấm tham gia các hoạt động đấu thầu”, mà không nêu rõ bị cấm thầu trong phạm vi quản lý của người có thẩm quyền hay trên phạm vi toàn quốc…
Những yêu cầu nêu trên gặp phải sự phản ứng của không ít nhà thầu. Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cho biết, yêu cầu cao là một nhân tố để bảo đảm chất lượng dịch vụ, nhưng nhiều yêu cầu cao đến mức phi lý. Đối tượng bắt buộc phải có Chứng nhận ISO 9001:2015 hệ thống quản lý chất lượng là các doanh nghiệp sản xuất, trong khi nhà thầu tham dự những gói thầu nêu trên là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, Nhà nước chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc có chứng nhận này. Đối với công nhân vệ sinh, đa số đều là lao động phổ thông được các nhà thầu tuyển dụng, huấn luyện sau khi trúng thầu, chứ không ai ký hợp đồng sẵn, trả lương hàng tháng chờ đi làm…
Việc HSMT đưa ra nhiều “chốt chặn” làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, giảm tính cạnh tranh, tạo thế độc quyền cho một số nhà thầu, nhóm lợi ích…
Mặc dù vậy, khi tiếp nhận phản ánh, một số bên mời thầu một mực biện minh những tiêu chí như nêu trên là phù hợp. Đơn cử, tại văn bản trả lời đề nghị làm rõ HSMT của các nhà thầu vào ngày 21/7/2023, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho rằng: “công nhân vệ sinh là một trong các thành phần nhân sự chủ chốt trong HSMT, nên việc yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, kinh nghiệm như phải có 3 năm kinh nghiệm hoặc 1 hợp đồng vệ sinh tại bệnh viện khám và điều trị bệnh truyền nhiễm là cần thiết”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia y tế và đấu thầu đã bác bỏ quan điểm này.
Về vấn đề uy tín nhà thầu, theo một chuyên gia đấu thầu, pháp luật về đấu thầu quy định, biện pháp cấm nhà thầu chỉ áp dụng trong phạm vi quản lý của người có thẩm quyền đối với gói thầu đó và khung hình phạt tương ứng với các mức độ vi phạm khác nhau. Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc nếu có, phải do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành. Mục tiêu áp dụng biện pháp phạt hành vi vi phạm là nhằm xử lý nghiêm và có tính chất răn đe với chính nhà thầu đó để không tái phạm hay những nhà thầu khác đang có ý đồ vi phạm. Nhưng không vì thế mà tước bỏ mọi cơ hội tham gia đấu thầu tại các chủ đầu tư/bên mời thầu khác.
Đây được xem là một trong những quy định tiến bộ so với chuẩn mực chung quốc tế được bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ghi nhận khi so sánh với các cam kết quốc tế. Quy định này tiếp tục được kế thừa tại Luật Đấu thầu 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024).
Cũng theo vị chuyên gia này, việc quy định lao động phổ thông là nhân sự chủ chốt, phải được kê khai cụ thể trong HSDT họ tên, trình độ, bằng cấp, kinh nghiệm… hay phải có hợp đồng lao động là yêu cầu quá mức cần thiết.
Dưới góc độ chuyên môn, TS. Bùi Vũ Bình - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Trường Đại học Y Hà Nội - cho rằng: “Việc bệnh viện đưa ra nhiều yêu cầu về chứng chỉ/chứng nhận trong HSMT đều có lý do, trong đó có lo ngại gặp rắc rối khi thuê đơn vị vi phạm pháp luật, hoặc không bảo đảm yêu cầu chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện… Nhưng đúng là có nhiều tiêu chí không cần thiết. Đối với những yêu cầu liên quan đến trách nhiệm pháp lý của nhà thầu như phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn lao động..., bên mời thầu không nên đưa quá chi tiết vào HSMT, vì thực chất đó là việc mà nhà thầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật chuyên ngành khi đăng ký kinh doanh loại hình dịch vụ này.
Theo TS. Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), Bên mời thầu chỉ nên yêu cầu “nhà thầu phải cam kết tuân thủ đúng quy định pháp luật về môi trường, an toàn lao động, hay phòng cháy chữa cháy”. Bởi vì, việc quy định quá chi tiết những nội dung thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của cơ quan khác như: Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường… là vượt quá thẩm quyền cho phép. Mặt khác, các cơ sở y tế cũng không có đủ năng lực để kiểm định chất lượng tuân thủ các quy định chuyên ngành đó của nhà thầu.
Việc HSMT gói thầu cung cấp dịch vụ giặt là đồ vải, vệ sinh bệnh viện đưa ra nhiều “chốt chặn” làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, giảm tính cạnh tranh, tạo thế độc quyền cho một số nhà thầu, nhóm lợi ích… Khi nhà thầu đề nghị làm rõ, không ít bên mời thầu phải sửa HSMT, hủy thầu, đấu thầu đi đấu thầu lại, làm kéo dài thời gian lựa chọn nhà thầu và giảm sút hiệu quả đấu thầu.