Đấu thầu mua sắm hàng hóa: Bao giờ hết tiêu chí lạ, làm khó nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt gói thầu mua sắm hàng hóa liên tiếp bị nhà thầu kiến nghị liên quan đến các tiêu chí bất cập, thông số độc quyền, “đo ni đóng giày”. Tình trạng này cần được giám sát và chấn chỉnh kịp thời để tạo thuận lợi cho nhà thầu, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.
Nhiều gói thầu mua thiết bị văn phòng, trường học đưa ra thông số độc quyền của một hãng sản xuất để làm yêu cầu tối thiểu buộc các nhà thầu đáp ứng. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều gói thầu mua thiết bị văn phòng, trường học đưa ra thông số độc quyền của một hãng sản xuất để làm yêu cầu tối thiểu buộc các nhà thầu đáp ứng. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Trong quá trình phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 10 - 19/9/2024, Gói thầu số 08 Thiết bị (giá gói thầu 1,037 tỷ đồng) thuộc Dự án Sửa chữa, nâng cấp Trụ sở UBND xã Tân Phú Trung do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Củ Chi (TP.HCM) làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu phát sinh 2 văn bản kiến nghị của nhà thầu. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thế Long kiến nghị về thông số kỹ thuật và các tiêu chuẩn của laptop. Cụ thể, HSMT yêu cầu bộ xử lý Intel, Core i5-1335U, RAM 16GB LPDDR5 4800MHz; màn hình 15.6 inch, FHD (1920 x 1080), IPS, 60 Hz, Acer ComfyView Anti-glare LED-backlit... “Trong các thông số này, cấu hình có tên Acer ComfyView Anti-glare LED-backlit là thông số độc quyền của dòng laptop Acer”, Nhà thầu kiến nghị cho biết.

Một nhà thầu khác phản ánh, thông số kỹ thuật chính là cấu hình máy laptop Acer Aspire 5 A515-58P-56RP i5-1335U/16GB/512GB/Win11 (NX.KHJSV.008). Chưa hết, theo nhà thầu, model này sản xuất năm 2023 nên việc HSMT yêu cầu sản xuất năm 2024 là không thể.

Trước đó, trong văn bản đề nghị làm rõ HSMT, nhà thầu đã chỉ ra bất cập về việc yêu cầu các thiết bị mới 100% và sản xuất từ năm 2024 trở về sau. Điều này là không hợp lý vì HSMT đưa ra cấu hình, mã của các thiết bị điện tử cụ thể, mà các thiết bị này có thể được sản xuất trước năm 2024. Ngày 16/9/2024, Công ty CP Tư vấn và Quản lý xây dựng An Việt (đơn vị lập HSMT) có văn bản làm rõ, giữ nguyên nội dung của HSMT.

Gói thầu số 05 Mua sắm thiết bị (8,647 tỷ đồng) thuộc Dự án Đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2022 - 2025 cho khối lớp 3, lớp 7, huyện Mỹ Tú, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng) làm chủ đầu tư, mời thầu tháng 9/2024, cũng phát sinh kiến nghị của nhà thầu. HSMT gói thầu này yêu cầu nhà thầu có thiết bị lưu trữ dữ liệu bằng đĩa DVD phù hợp với quy định của Luật Xuất bản, bản quyền. Nhà thầu kiến nghị, hiện nay các thiết bị tivi, máy tính được trang bị cổng USB rất tiện lợi và truyền dữ liệu rất nhanh. Việc HSMT bắt buộc sử dụng thiết bị lưu trữ bằng đĩa DVD đối với các loại video có thể làm phát sinh chi phí, gây khó khăn cho nhà thầu.

Tại gói thầu này, nhà thầu chỉ tên thông số kỹ thuật có tính chỉ định cho hãng sản xuất cụ thể như: tivi của hãng LG, máy chiếu hiệu BenQ, đài đĩa của thương hiệu Oonepro… Trong khi đó, theo Thông tư số 37/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 38/2021/TT-BGDĐT ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cấp tiểu học và trung học cơ sở, các thiết bị này là sản phẩm thông dụng.

Tại Vĩnh Long, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mang Thít đang mời thầu Gói số 1 Thiết bị đồ gỗ (1,826 tỷ đồng) thuộc Dự án Trường THCS Mỹ An, huyện Mang Thít. Gói thầu phát sinh kiến nghị vì yêu cầu “nhà thầu bố trí công nhân có chứng chỉ nghề hoặc chứng nhận đào tạo nghề ≥ bậc 4/7 để hoàn thiện thiết bị đồ gỗ tại nơi cung cấp, trong đó có 5 thợ sơn PU”. Nhà thầu phản ứng quyết liệt với yêu cầu này do đây là gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, cung cấp thiết bị nội thất, chủ yếu là bàn ghế gỗ. Nhà thầu tham dự có thể là đơn vị sản xuất, cũng có thể là đơn vị thương mại, hàng hóa thành phẩm được vận chuyển đến nơi sử dụng. Do đó, việc yêu cầu nhà thầu phải sơn sản phẩm đồ gỗ tại địa chỉ cung cấp là bất cập và chưa tính toán việc ảnh hưởng đến sức khỏe con người ở môi trường giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị văn phòng, trường học cho biết, HSMT đưa ra thông số đặc thù, độc quyền của một hãng sản xuất để làm yêu cầu tối thiểu bắt buộc các nhà thầu đáp ứng là hoàn toàn bất khả thi cho nhà thầu chào thiết bị của hãng sản xuất khác, bởi mỗi hãng có 1 cấu hình riêng biệt, thông số của hãng khác không thể giống hoặc tương đương. Bên cạnh đó, việc bên mời thầu cho rằng hàng hóa mua sắm là phức tạp, đặc thù để biện minh cho các tiêu chí bất thường gây khó khăn rất lớn cho các nhà thầu muốn tham gia cạnh tranh.

Theo chuyên gia đấu thầu Lê Văn Tăng, các quy định về mua sắm hàng hóa thông dụng hiện nay đã được xây dựng rất thông thoáng, cởi mở, tạo điều kiện tối đa cho nhà thầu có khả năng tham gia. Do đó, những HSMT tự ý đưa ra các tiêu chí lạ, gây phát sinh chi phí, thời gian cho nhà thầu là chưa tuân thủ đúng quy định cũng như kéo giảm hiệu quả công tác đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục