Công ty CP Pro Phương Nam đã trúng 2 gói thầu về đào tạo, tập huấn thuộc Chương trình 135 do Ban Dân tộc tỉnh Sơn La mời thầu |
Tại Văn bản thông báo kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) mới đây, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã lộ rõ việc dùng tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhà thầu để loại nhà thầu.
Chỉ 1 nhà thầu đáp ứng yêu cầu của HSMT
Như Báo Đấu thầu đã thông tin, Gói số 02 Đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 năm 2018, sử dụng nguồn vốn được giao tại Quyết định số 119/QĐ-UBND ngày 19/1/2018 của UBND tỉnh Sơn La, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Gói thầu này đóng thầu vào 14h thứ Bảy ngày 18/8/2018 với 4 nhà thầu nộp HSDT.
Sau khi mua HSMT, một số nhà thầu đã có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư đề nghị bỏ yêu cầu hạn chế nhà thầu, vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, nhưng không được Chủ đầu tư chấp thuận, trước sau vẫn bao biện cho tiêu chí “khu biệt” nhà thầu tham gia đấu thầu. Cụ thể, tại trang 32 của HSMT có nêu yêu cầu đối với nhà thầu tham dự là phải có các hợp đồng tương tự về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135, trong đó có các hạng mục cơ bản như bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, phát các khoản hỗ trợ cho học viên.
Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một nhà thầu cho biết, đây là các hạng mục công việc của dịch vụ tổ chức đào tạo cho bất kỳ chương trình đào tạo nào chứ không riêng gì chương trình đào tạo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135.
Ngày 28/8/2018, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La có Văn bản số 594/BDT thông báo kết quả đánh giá HSDT. Theo đó, trong số 4 nhà thầu nộp HSDT, chỉ có duy nhất Công ty CP Pro Phương Nam đáp ứng yêu cầu của HSMT. Giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ giá trị giảm giá (nếu có), chuyển đổi về một đồng tiền chung (nếu có) và tính ưu đãi (nếu có) của Công ty CP Pro Phương Nam là gần 6,644 tỷ đồng (giá gói thầu là 6,670 tỷ đồng, chênh lệch giảm 26 triệu đồng, tương đương 0,38% so với giá gói thầu).
Điểm đáng chú ý là tính đến thời điểm hiện tại, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La mới tổ chức mời thầu 2 gói thầu về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 và nhà thầu trúng cả 2 gói thầu này là Công ty CP Pro Phương Nam.
Nhà thầu bị loại vì tiêu chí “khu biệt”
Từ chối bỏ tiêu chí hạn chế nhà thầu của HSMT, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La viện lý do Gói thầu nêu trên có đặc thù là đào tạo, bồi dưỡng cho đối tượng là cán bộ và đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều chuyên gia về đấu thầu cho rằng, rõ ràng yêu cầu của HSMT có sự “khu biệt” nhà thầu tham gia đấu thầu (chỉ dành cho những nhà thầu đã từng trúng thầu các gói thầu về đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135). Theo hướng dẫn tại ghi chú (7) Khoản 2.1 Mục 2 Chương III của Mẫu HSMT dịch vụ phi tư vấn ban hành kèm theo Thông tư số 14/2016/TT-BKHĐT, hợp đồng tương tự là hợp đồng có tính chất tương tự với gói thầu đang xét, có giá hợp đồng bằng hoặc lớn hơn 70% giá của gói thầu đang xét. Việc quy định tiêu chí đánh giá về kinh nghiệm cụ thể trong thực hiện hợp đồng tương tự được thực hiện theo quy định nói trên và thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu.
Tại Văn bản số 594/BDT, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La thông báo đã loại HSDT của Công ty CP Sở hữu trí tuệ Davilaw với lý do mà nhà thầu này cho rằng đó là tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, đã được nhà thầu này phản ánh và đề nghị sửa đổi trước đó. Cụ thể, trong HSDT, Nhà thầu cung cấp 6 hợp đồng tương tự, nhưng theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, tất cả các hợp đồng này đều không có hợp đồng đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình 135 như yêu cầu của HSMT.
Như vậy, tại Gói số 02, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã đưa ra tiêu chí, yêu cầu riêng về hợp đồng tương tự (không theo hướng dẫn của pháp luật đấu thầu về hợp đồng tương tự), vi phạm Khoản 2 Điều 12 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu và tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng) và dùng chính tiêu chí “khu biệt” này để loại nhà thầu có năng lực.